Ông Phạm Quang Đại, Phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, Bộ Công an cùng Bộ Tư pháp đã phối hợp hoàn thiện, đưa vào kiểm thử phần mềm đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Đến nay, phần mềm đã kết nối với hệ thống thông tin thủ tục hành chính của 2 địa phương nêu trên và phần mềm quản lý tư pháp của Bộ Tư pháp. Theo dự kiến, ngày 22.4 tới, hệ thống sẽ sẵn sàng phục vụ người dân.
Cũng liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện.
Bộ này cho hay, trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn tại ở một số địa phương. Có thời điểm người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ, bức xúc trong dư luận xã hội.
Cạnh đó, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng hình thức trực tuyến cũng được đánh giá chưa hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua bưu chính.
Để giải quyết tồn tại đã nêu, Bộ Tư pháp cho rằng phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp cấp huyện, nhằm giảm tải áp lực cho sở tư pháp, là một giải pháp cần thiết.
Bộ đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp tại 3 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An.
Thời gian thí điểm trong 2 năm, sau đó Bộ Tư pháp sẽ tổng kết, đánh giá; nếu thành công thì báo để xem xét áp dụng trên toàn quốc.
Theo đề xuất, số lượng phòng tư pháp áp dụng thí điểm là ít nhất một phần ba trong tổng số phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng tỉnh Nghệ An có ít nhất 5 phòng tư pháp thuộc diện thí điểm.
Nếu nghị quyết được thông qua, phòng tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại cấp huyện nơi thực hiện thí điểm; công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn huyện nơi thực hiện thí điểm.
Hồi tháng 4.2023, số lượng người có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng mạnh ở Hà Nội và một số địa phương. Nhiều người phải xếp hàng từ sáng sớm, dài vài chục mét, thậm chí mất nhiều ngày đi lại mới đến lượt làm thủ tục.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho hay, số lượng người cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến một phần đến từ nhu cầu cấp phiếu để hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục hành chính khác; nhưng cũng có số lượng khá lớn người yêu cầu cấp phiếu là lao động phổ thông để xin việc làm trong nước hoặc nộp hồ sơ tuyển dụng lái xe công nghệ, giao hàng…
Với nhóm thứ 2, đây là biểu hiện của sự lạm dụng quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Theo quy định của luật Lý lịch tư pháp, cá nhân có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 mà không bị giới hạn mục đích sử dụng. Cũng vì điều này, một số tổ chức, doanh nghiệp đã lạm dụng yêu cầu cá nhân phải có phiếu lý lịch tư pháp khi nộp hồ sơ tuyển dụng.
Bình luận (0)