Lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư 02/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 25.3.2021.
Trong đó, Điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT về quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô quy định, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu, như sau:
Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm theo các thông tin tối thiểu, gồm: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p.
Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng (bao gồm cả vào ban đêm).
Dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640 x 480 pixel.
Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại.
Các dữ liệu được ghi và lưu trữ tại camera lắp trên xe và tại máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.
Rút ngắn thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm
Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định một số điều và biện pháp thi hành luật Công chứng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16.3.2021.
Theo đó, thông tư quy định về bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề công chứng; đào tạo nghề công chứng; khóa bồi dưỡng nghề công chứng; bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm; tổ chức và hoạt động công chứng; một số biểu mẫu trong hoạt động công chứng.
Trong đó, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm (sau đây gọi là bồi dưỡng nghiệp vụ) bao gồm một hoặc một số vấn đề, như sau: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; Cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật khác có liên quan; Kỹ năng hành nghề công chứng; kỹ năng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng; Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.
Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định đối tượng áp dụng, bao gồm: công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, cơ quan quản lý nhà nước về công chứng và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đáng chú ý, Điều 12 Thông tư 01/2021/TT-BTP về thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ quy định, thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm). Hiện hành, Thông tư 06/2015/TT-BTP quy định thời gian tham gia là 03 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm).
Đồng thời, Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định những trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm, cụ thể: Công chứng viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Công chứng viên phải điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 3 tháng trở lên, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.
Hiện hành, Điều 15 Thông tư 06/2015/TT-BTP về miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm quy định, công chứng viên được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm trong trường hợp đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm hoặc tham gia một khóa bồi dưỡng nghề công chứng ở nước ngoài trong năm đó.
|
Bình luận (0)