Từ 4 triệu đồng thành 300 triệu đồng

12/12/2015 05:19 GMT+7

Sợ thất nghiệp khi ra trường, một nhóm sinh viên đã hùn vốn bằng chính tiền tích góp từ việc làm thêm để khởi nghiệp.

Sợ thất nghiệp khi ra trường, một nhóm sinh viên đã hùn vốn bằng chính tiền tích góp từ việc làm thêm để khởi nghiệp.

Nhóm của Trần Hồ Xuân Thành - Ảnh: X.TNhóm của Trần Hồ Xuân Thành - Ảnh: X.T
Trần Hồ Xuân Thành, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trưởng nhóm dự án kể: “Mình và nhóm bạn hợp lực lại để khởi nghiệp, tránh rơi vào cảnh ra trường lại cầm đơn đi xin việc. Được cái là mỗi người bạn học một trường có những điểm mạnh riêng. Có người giỏi về kinh doanh, có người giỏi về kỹ thuật, cũng có người giỏi thiết kế... nên phối hợp nhịp nhàng”.
Tuy nhiên, làm gì? Bắt đầu từ đâu? Câu hỏi đặt ra mà chính Thành và nhóm bạn tự phải tìm lời giải đáp cho mình: “Đó là phải tạo ra được sự khác biệt và có lòng quyết tâm cao, như thế mới tồn tại và chờ cơ hội để bứt phá đi lên”, Thành khẳng định.
Theo quan sát của Thành tại thời điểm đó, sản phẩm móc khóa trên thị trường được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: mica, giấy ép, nhựa dẻo, đồng... nhưng rất ít thấy được làm từ gỗ. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Thành thì sản phẩm móc khóa làm từ chất liệu gỗ lòng mức rất đẹp. Đây là loại gỗ có độ bền cao, màu sáng, không vân nên cho phép chúng ta dễ dàng trang trí và khắc lên miếng gỗ những chi tiết khó nhất.
Hơn nữa, nhu cầu của giới trẻ luôn quan tâm đến những món đồ độc, lạ, thể hiện dấu ấn cá nhân cũng như làm quà tặng cho nhau để lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ cho những người thân yêu của mình.
Nắm bắt được thực tế ấy, Thành và nhóm bạn bắt đầu từ dự án nhỏ mang tên “Mộc yêu thương” với phương châm “Thay lời muốn nói, trao gửi yêu thương, kết nối trái tim” thông qua các sản phẩm móc khóa làm từ loại gỗ với công nghệ khắc chữ bằng laser vô cùng tinh tế. Sau khi hàng mẫu được giới thiệu trên trang Facebook, rất nhiều học sinh gửi về đặt mua. Từ đó, phân khúc thị trường đầu tiên của nhóm nhắm đến là các trường THPT và đại học.
“Chỉ có 4 triệu đồng tiền vốn, mà nhiệm vụ sống còn là phải bảo toàn vốn để xoay xở và tiếp tục chứ không thể vừa mới khởi nghiệp rồi bị chết yểu”, Thành nhớ lại.
Thành tâm sự: “Ban đêm tụi mình gia công sản xuất tại xưởng là phòng nhà trọ, ban ngày chia nhau đến các trường THPT, đại học để bán cho HS-SV. “Nhiều khi khách đặt 2, 3 sản phẩm qua mạng (15.000 đồng/cái) nhưng đích thân mình cũng chạy giao hàng cho họ từ quận này sang quận khác. Những đơn hàng nhỏ lẻ như thế chẳng có lời gì cả nhưng cái được là tạo niềm tin và uy tín cho khách hàng. Nhờ vậy mà sau 2 tháng triển khai, tổng doanh thu của nhóm gom lại được 20 triệu đồng”, Thành chia sẻ.
Thành cho biết thêm: “Thấy chiều hướng khả quan, tụi mình kêu gọi thêm cổ đông. Thế là thu hút thêm được 3 sinh viên với số vốn 6 triệu đồng. Dồn hết số vốn có được gần 30 triệu đồng, cả nhóm quyết tâm bắt đầu đẩy mạnh sản xuất”.
Để có lượng khách hàng dồi dào, bản thân Thành và một số thành viên của nhóm trực tiếp đi “gõ cửa” từng doanh nghiệp để làm quen và chào hàng mẫu. Song song đó, nhóm kết nối với hàng trăm shop quà lưu niệm để khi họ có đơn hàng sẽ chuyển cho nhóm cung cấp sản phẩm.
Thành bật mí: “Mục tiêu của nhóm là đưa doanh số đến hết cuối năm nay đạt hơn 300 triệu đồng”.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng: “Với đồng vốn ban đầu rất ít như thế nhưng các bạn biết xoay xở để duy trì, mở rộng thị trường kinh doanh cho dự án khởi nghiệp là quá hay. Sự thành công của dự án này cho thấy những thành viên trong nhóm có sự đồng lòng, hợp tác rất ăn rơ”.
Ý kiến
Phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu của khách hàng
Muốn khởi nghiệp thì trước hết bạn phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu khách hàng; phải biết rõ khách hàng của mình họ cần gì, rồi lên kế hoạch bắt đầu với công việc mua đi bán lại lấy lời để duy trì đồng vốn, giai đoạn này khoan tính đến chuyện kiếm lời.
Nguyễn Duy Minh
Giám đốc điều hành Công ty Sri Training Vietnam
Đừng làm theo một bản sao của người khác
Tùy vào nguồn lực lúc đầu mà mình “liệu cơm gắp mắm”, xây dựng một mô hình kinh doanh. Mô hình đó đừng nên là một bản sao và làm y chang những gì bạn tham khảo của người khác, vì làm theo bản sao thường dễ lúc đầu mà sau này khó phát triển vô cùng vì thiếu sự khác biệt.
Nguyễn Văn Đức
Giám đốc Công ty phân phối mực máy in tại Q.Tân Phú, TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.