Hùng - (áo đen) từ chàng trai bán nước mía dạo tới nhiếp ảnh gia triệu view |
nvcc |
Nguyễn Văn Hùng, 30 tuổi, tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Ngân hàng năm 2012. Anh quyết định không làm việc liên quan đến chuyên ngành mà lên kế hoạch riêng cho bản thân.
Từ xe nước mía dạo…
“Bố mẹ tôi là nông dân, gia đình thuộc hộ nghèo của vùng ven thành phố Bắc Giang. Thời học đại học tôi làm thêm nhiều nghề khác nhau để kiếm tiền đóng học phí và chi tiêu cuộc sống đỡ đần bố mẹ. Tôi từng làm cộng tác viên kinh doanh cho xưởng sản xuất đồng phục, bán hàng online và tự học cách làm quảng cáo để thu hút khách hàng. Ngay sau khi ra trường, trước sự khó khăn về kinh tế cùng sự tự tin có trải nghiệm, tôi ôm tham vọng khởi nghiệp để… đổi đời”, anh nhớ lại.
Chỉ trong thời gian ngắn tìm hiểu, Hùng quyết định trở về Bắc Giang tập tành bán nước mía với quy mô một chiếc xe đẩy và vốn đầu tư ít ỏi cũng được vay mượn từ ngân hàng.
“Tôi đẩy xe đi bán ở chợ gần nhà, các hội chợ và cả tại nhà nữa, lúc đó còn ít người bán nước mía, tôi bán được lắm. Nhưng chỉ hai, ba tháng sau, nhiều nhà ở xung quanh thấy ổn cũng mở ra bán nên ít dần khách. Tôi chật vật khi vừa phải trả nợ, chi tiêu cuộc sống, vừa có nhiều khoản chi phát sinh để có thể tiếp tục ước mơ xây dựng 'hệ thống bán nước mía' ở quê nhà”, Hùng kể.
Những hình ảnh, thước phim kỷ yếu Hùng thực hiện cho các bạn học sinh |
Sau 6 tháng khởi nghiệp ngắn ngủi, ông chủ 9X nhận ra mình còn quá nhiều thiếu sót, non trẻ để thực hiện một chuỗi kinh doanh. Anh quyết định từ bỏ, trở lại Hà Nội xin một công việc văn phòng làm để gom tiền trả nợ và ổn định cuộc sống.
Đến “thợ đụng” chụp hình
Vốn là một người thích di chuyển, Hùng đi phượt vào mỗi cuối tuần. Sau khi trả hết nợ cho chiếc xe nước mía, anh tích góp mua được chiếc máy ảnh cũ trị giá 8 triệu đồng và thành “thợ đụng nghề ảnh” - từ anh chỉ việc đụng đâu chụp đó.
Chuyến đi Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa,… điểm đến nào anh cũng ghi lại hình ảnh nhưng đó không phải là hình chụp cá nhân mà là những khoảnh khắc trong cuộc sống của người dân hay cảnh vật nơi đây.
Chàng trai đi khắp nơi để chụp hình |
“Tôi cảm nhận được vẻ đẹp chân thật của những nơi mình đến qua những bức ảnh, giữ mãi album về những chuyến đi phượt khi trở về lại Bắc Giang làm kế toán cho một công ty xây dựng gần nhà không còn thời gian để đi nhiều. Thi thoảng thấy chiếc máy ảnh để không, tôi nhớ quá lại đem ra chụp. Ở Bắc Giang những năm 2014 còn chưa nhiều người chụp ảnh, nhất là ảnh đi chơi cho giới trẻ, tôi thử nhận chụp cho các em học sinh với giá từ 20.000 - 30.000 đồng”, anh cho biết.
Hùng tự tìm và học cách chỉnh sửa ảnh để làm sản phẩm đẹp hơn cho khách hàng. Dần dần, nhiều em học sinh biết đến và nhờ người “thợ đụng” này đi chụp ảnh đi chơi, ảnh kỷ yếu. Thời điểm cuối năm học, hết lớp này đến lớp khác, anh không có đủ thời gian để nhận thêm đơn của khách hàng, anh quyết định nghỉ công việc văn phòng hiện tại để tiến sâu vào nghề nhiếp ảnh.
Hình ảnh, phim kỷ yếu mà nhóm của Hùng thực hiện |
nvcc |
Ở mức giá cao nhất chỉ vọn vẹn 150.000 đồng cho một buổi chụp tại nhiều địa điểm ngoài trời, Hùng vẫn nhiệt tình nhận đơn, chăm chỉ đi khắp nơi, đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Anh kiên trì theo đuổi để thực hiện hóa ước mơ khởi nghiệp của những ngày còn mười tám, đôi mươi.
“Đến năm 2017, khách đến tìm tôi rất đông, công việc chụp ảnh không chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm mà còn đem đến nguồn thu nhập ổn định, tôi mở được tiệm ảnh đầu tiên tại quê nhà”, anh chia sẻ.
“Giàu có” với nghề ảnh
Bên cạnh việc nhận đơn chụp hình, Hùng còn nỗ lực làm các clip ngắn hướng dẫn mọi người cách chụp ảnh.
Những ngày đầu, anh đã từng được học kỹ năng miễn phí, thế nên giờ đây khi đã có chút kinh nghiệm trong nghề, anh muốn chia sẻ đến các bạn có chung đam mê như mình và lan tỏa, truyền động lực cho những ai có mong ước đến với nghề nhiếp ảnh.
Cặp đôi từ Quảng Bình ra Bắc Giang chụp ảnh cưới chỗ Hùng |
Những video độc đáo được nhiếp ảnh gia sáng tạo từ nội dung đến cách truyền đạt hóm hỉnh đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Chỉ trong một đêm sau sản phẩm đầu tiên, anh đã có hơn một triệu lượt xem và lượt người theo dõi tăng nhanh chóng. Đáng nói, thông qua chúng, nhiều người đã liên hệ anh và bày tỏ mong muốn được theo học các khóa học bài bản về chụp hình.
“Qua những sản phẩm trên mạng xã hội, có đôi bạn vượt gần 600 km từ Quảng Bình ra Bắc Giang, tìm đến tôi nhờ chụp hình cưới. Tôi rất bất ngờ khi điều mình làm được quan tâm và ủng hộ, đây là một cách để tôi có động lực tiếp tục và đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành của bản thân, một sự thành công trong ước muốn khởi nghiệp của mình”, anh tâm sự.
Hiện tại Hùng đang sở hữu kênh TikTok có hơn 1 triệu người theo dõi với hàng loạt video triệu view trên mạng xã hội. Anh còn là ông chủ của một cửa hàng áo cưới, ba Hiệu ảnh Thanh Xuân ở Bắc Giang, Hà Nội và Bắc Ninh cùng một team chuyên chụp kỷ yếu với hơn 20 người phục vụ khách toàn miền Bắc.
Thời gian tới, bên cạnh việc mở thêm studio ở Hà Nội để phục vụ khách hàng, nhiếp ảnh gia 9x còn xây dựng kế hoạch trở thành nhóm chụp kỷ yếu với giấc mơ “được yêu thích nhất miền Bắc”. “Tôi cũng đang học nhiều khóa học ngắn hạn về quản lý, lãnh đạo cũng như về tay nghề để hoàn thiện hơn bản thân, tránh phải những sai lầm của 10 năm trước khi khởi nghiệp”, chàng trai từ bán nước mía tới nhiếp ảnh gia triệu view cho hay.
Bình luận (0)