Ngay sau khi xảy ra tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn cảnh báo các ngân hàng (NH) thương mại thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình an toàn an ninh hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên mạng internet (website, internet banking…). Nhiều NH lập tức cũng đã có thông tin cảnh báo tới khách hàng mối nguy tội phạm công nghệ đánh cắp thông tin khách hàng để thực hiện các hành vi gian lận. Theo đó, để đảm bảo an toàn thông tin khi giao dịch, khách hàng cẩn trọng lựa chọn các trang mạng uy tín khi sử dụng thẻ; không truy cập, tải những chương trình từ những trang mạng không hợp pháp hoặc không xác định được nguồn gốc và cài đặt vào máy tính cá nhân của mình; không mở những tập tin được gửi từ những thư điện tử lạ...
Nâng cao khả năng tự bảo vệ
Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty NTS Security, thực tế không có hệ thống nào là tuyệt đối an toàn trong lĩnh vực bảo mật. Hiện nay, các NH của VN đều đầu tư để trang bị các hệ thống bảo mật khá hiện đại. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn bảo mật thì còn phụ thuộc nhiều vào đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin vận hành hệ thống với yêu cầu không được xảy ra bất kỳ sai sót nào. “Cách giao dịch NH điện tử (online banking) sử dụng mật khẩu dùng một lần OTP rất phổ biến trên thế giới, nhưng hình thức này về lý thuyết vẫn có thể bị tấn công bằng 2 cách. Thứ nhất, hacker có thể tấn công vào hệ thống cấp phát OTP của NH để điều khiển dự đoán mã dễ dàng. Thứ hai, hacker tấn công vào khách hàng, lấy thông tin rồi sử dụng giao dịch online”, ông Vũ phân tích và cho rằng thời gian qua có rất nhiều cuộc tấn công của hacker đã xuyên thủng OTP và đánh cắp tiền từ nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, việc cập nhật thông tin để tự bảo vệ mình khi giao dịch online banking là điều khách hàng cá nhân cần thực hiện.
Dẫn số liệu một thống kê của Bộ TT-TT cho biết VN có hơn 30 triệu máy tính đang sử dụng truy cập internet nhưng chỉ 5% máy tính có sử dụng bản quyền phần mềm diệt vi rút, số còn lại dùng phần mềm bẻ khóa hoặc không bảo mật, ông Ngô Trần Vũ cho rằng “đây là thực trạng đáng báo động”. Đáng nói hơn, trong khi thiết bị di động (điện thoại và máy tính bảng) bùng nổ thì nhiều người dùng hầu như không quan tâm đến bảo mật thiết bị. “Để bảo vệ máy tính hay thiết bị di động thì phải cài đặt ngay phần mềm diệt vi rút để tránh bị hacker tiêm nhiễm vi rút. Các thế hệ hacker hiện nay tấn công với mục tiêu ăn cắp tiền bạc và tránh tấn công phá hoại nên các thiết bị luôn cho người dùng cảm giác an toàn và không có tồn tại vi rút. Điều này nguy hiểm hơn nhiều so với các vi rút trong quá khứ vốn chỉ phá hoại dữ liệu”, ông Vũ nói.
Người dùng thẻ cũng cần tránh cài đặt các chương trình không phải từ chính hãng hoặc nguồn an toàn, bởi nguy cơ ẩn chứa vi rút rất cao; tránh truy cập vào các website lạ và đặc biệt không nên tò mò bấm vào các liên kết mời gọi trên các web và mạng xã hội để xem các clip và bài viết giật gân. Trước khi đăng nhập bằng tên và mật khẩu vào online banking, cần nhìn kỹ địa chỉ web mình đang truy cập để tránh bị hacker lừa dối bằng các trang web giả dạng; thường xuyên thay đổi mật khẩu cá nhân để bảo đảm an toàn hơn cho các tài khoản giao dịch.
Lưu ý khi mua hàng qua mạng
- Ưu tiên sử dụng máy tính cá nhân để thực hiện giao dịch và chỉ giao dịch tại các website có uy tín, an toàn, đọc kỹ các điều kiện, điều khoản.
- Không sử dụng chế độ ghi nhớ lại mật khẩu truy cập các website từng thực hiện giao dịch trực tuyến, thường xuyên thay đổi mật khẩu, đặt mật khẩu nên bao gồm chữ cái in hoa, chữ cái thường, số và các ký hiệu.
- Tuyệt đối không trả lời hoặc cung cấp thông tin và không nhấn vào các đường dẫn chứa kèm trong các email lạ.
- Không nên giao dịch qua các mạng ở nơi lạ, khu vực công cộng.
|
Bình luận (0)