(TNO) Bệnh cúm chẳng chừa một ai, từ già đến trẻ, từ người thiếu cân đến béo phì… Vậy bạn đã làm gì để bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm?
Bạn cần biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm cúm - Ảnh: Shutterstock
|
Dẫn lời của các chuyên gia sức khỏe phát biểu trên trang Bodyandsoul, những người không được coi là có nguy cơ cao vẫn có thể bị nhiễm cúm như thường. Hãy nhớ rằng không giống các bệnh cảm lạnh thông thường (được gây ra bởi một số vi rút đường hô hấp), cúm do vi rút cúm gây nên.
Bệnh cúm có những đặc trưng như: sốt cao, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, có hoặc không có triệu chứng chảy nước mũi hoặc ho. Cúm cũng có thể đôi khi gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa, đặc biệt là ở trẻ em. Cúm thường kéo dài một tuần, và sự mệt mỏi có thể kéo dài đến một tháng.
Làm gì để khỏi bị nhiễm cúm?
Nếu nhiễm cúm, hãy luôn nhớ cần nghỉ ngơi, uống nước thường xuyên và dùng paracetamol nếu cần thiết. Để tránh lây nhiễm cho người khác, phải thực hiện vệ sinh thật tốt như rửa tay sạch sẽ, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt.
Để tránh bị lây nhiễm cúm, hãy làm theo những khuyến cáo sau của các chuyên gia y tế: Giảm mức độ căng thẳng, bởi căng thẳng có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, ngủ đủ giấc, ăn chế độ ăn giàu trái cây tươi và rau quả có chứa các loại vitamin tăng cường miễn dịch cần thiết như A, C, E, B6, B12 và folate, bỏ thuốc lá, nhận đủ ánh nắng mặt trời để tăng mức vitamin D, cải thiện sức khỏe phổi bằng cách quản lý bệnh suyễn thật tốt, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Giải pháp cho ho gà
Ho gà là căn bệnh nguy hiểm không chỉ đối với người lớn mà còn cả trẻ em, vì có thể đe dọa đến tính mạng. Nhiễm trùng đường hô hấp thường bắt đầu như cảm lạnh thông thường với các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi, sốt và ho càng ngày nhiều.
Các cơn ho có xu hướng kéo dài và không kiểm soát được, có thể kèm theo nôn, nghẹn hoặc thậm chí nôn mửa. Người bệnh luôn thở hổn hển. Ở trẻ sơ sinh có thể không có dấu hiệu ho. Thay vào đó, chỉ đơn giản có thể ngừng thở và chuyển sang tím tái. Khi bú có thể bị nghẹn hoặc ộc sữa.
Ho gà lây truyền qua không khí, chẳng hạn như khi một người bị ho gà, họ phun vi khuẩn (được gọi là Bordatella) vào không khí, sau đó người xung quanh hít vào và bị lây bệnh. Trừ khi xác định và điều trị bằng kháng sinh thích hợp với người bị ho gà (là nguồn lây lan bệnh) trong 21 ngày đầu của bệnh, mới có thể kiểm soát nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, dù người nhiễm bệnh đã dùng kháng sinh họ vẫn được coi là nguy cơ truyền nhiễm trong 5 ngày đầu điều trị. Do đó, mọi người đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 12 tháng tuổi nên tránh xa môi trường hoặc nơi có người bị ho gà.
Mục đích của việc dùng thuốc kháng sinh là để làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng cũng như để giảm sự lây nhiễm cho người khác, theo Bodyandsoul.
Ngoài ra, những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm ho gà cũng có thể cần phải được điều trị bằng kháng sinh, đặc biệt là nếu họ nằm trong nhóm “nguy cơ cao” (những người dễ bị nhiễm trùng). Nhóm này bao gồm trẻ ở độ tuổi dưới 24 tháng tuổi không tiêm đủ 3 liều vắc-xin ho gà và phụ nữ mang thai ở những tháng cuối của thai kỳ.
Bình luận (0)