Từ biệt kích của Hitler đến sát thủ Mossad

09/04/2016 09:00 GMT+7

Sau Thế chiến 2, tình báo Israel đã bí mật tuyển dụng kẻ được mệnh danh là “người nguy hiểm nhất châu Âu” để làm sát thủ: Otto Skorzeny.

Sau Thế chiến 2, tình báo Israel đã bí mật tuyển dụng kẻ được mệnh danh là “người nguy hiểm nhất châu Âu” để làm sát thủ: Otto Skorzeny.

Skorzeny (trái) trong một lần được gặp Hitler - Ảnh: Irish CenrtalSkorzeny (trái) trong một lần được gặp Hitler - Ảnh: Irish Cenrtal
Hồi tháng 3.2016, Cơ quan Tình báo Mossad khiến dư luận Israel ngỡ ngàng khi lần đầu tiên thừa nhận điều mà các sử gia đã nghi ngờ từ lâu: một trong những kẻ ám sát hữu dụng nhất của họ là Otto Skorzeny, cựu thủ lĩnh đội biệt kích khét tiếng của nhà độc tài Đức Adolf Hitler, theo tờ Ha’aretz.
Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu
Otto Skorzeny sinh năm 1908, tại thủ đô Vienna của Áo trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp. Ngay từ nhỏ, ông ta đã tỏ ra không biết sợ, thường xuyên đánh nhau và nói dối “thành thần”. Năm 23 tuổi, Skorzeny gia nhập chi nhánh đảng Quốc xã của Đức ở Áo và vô cùng tôn thờ Hitler. Năm 1938, trùm phát xít Đức xua quân sang kiểm soát Áo và một năm sau thì xâm lược Ba Lan, mở màn Thế chiến 2. Lúc này, Skorzeny nhanh chóng gia nhập đơn vị biệt kích tinh nhuệ của lực lượng Waffen-SS khét tiếng tàn ác. Bản tính hung mãnh, mê mạo hiểm đã giúp Skorzeny lập nhiều công trạng và sớm trở thành một trong những thuộc cấp tin cẩn của Hitler.
Theo tờ The Telegraph, trong giai đoạn cuối Thế chiến 2, phe Trục thất bại liên tiếp và những chiến thắng hiếm hoi của phe phát xít trong giai đoạn này đều mang hình bóng Skorzeny. Chiến dịch đầu tiên khiến tên tuổi của ông ta vang khắp châu Âu là cuộc giải cứu táo bạo ở Ý. Tháng 7.1943, nhận thấy chiến cuộc ngày càng bất lợi, các đồng minh của nhà độc tài Benito Mussolini trong chính quyền Rome “lật kèo”, phế truất ông này và giam giữ trong một khách sạn trên dãy núi Gran Sasso. Đích thân Hitler chọn Skorzeny làm một trong những chỉ huy của chiến dịch giải cứu.
Sau 2 tháng điều nghiên, vào ngày 12.9.1943, Skorzeny cùng 108 đặc nhiệm Đức dùng tàu lượn DFS 230 tiếp cận khách sạn nói trên, nhanh chóng áp đảo 200 lính Ý và đưa Mussolini đào thoát đến Áo. Nhờ vụ này mà Skorzeny được Hitler trao Huân chương Knight’s Cross danh giá của Đức Quốc xã.
Tháng 10.1944, Skorzeny tiếp tục tham gia chiến dịch tràn quân vào Hungary lật đổ chính quyền của nhà độc tài Miklos Horthy sau khi ông này tỏ ý muốn đàm phán với phe Đồng minh. Hai tháng sau, Skorzeny nghĩ ra chiêu tuyển những biệt kích Đức biết nói tiếng Anh, mặc quân phục Mỹ để xâm nhập hậu phương quân Mỹ tại châu Âu và gây tổn thất khá nặng cho quân Đồng minh trong chiến dịch Greif. Từ đó, giới tình báo Anh và Mỹ đã gọi Skorzeny là “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”.
Sau chiến tranh, trùm biệt kích bị bắt và giam giữ tại một trại tù ở TP. Darmstadt, miền trung Đức. Đến tháng 7.1948, ông ta trốn thoát thành công với sự hỗ trợ của 3 cựu sĩ quan SS cải trang thành lính Mỹ, rồi chạy sang Tây Ban Nha và được chính phủ của nhà độc tài Francisco Franco cưu mang, theo Ha’aretz.
Ám sát cho Israel
Vào thập niên 1950, một số cựu tướng lĩnh của Đức Quốc xã đầu quân cho CIA, trong đó có tướng Reinhard Gehlen, từng là cấp trên của Skorzeny. Nhờ sự giới thiệu của Gehlen, Skorzeny được cử sang Ai Cập giúp huấn luyện quân đội và làm cố vấn cho Tổng thống Gamal Abdel Nasser trong một thời gian ngắn. Chính diễn biến này đã cứu mạng ông ta và mở ra một hướng rẽ ít ai ngờ.
Trong giai đoạn đó, Cơ quan Tình báo Mossad của Israel vừa tất bật lùng diệt các cựu quan chức Đức Quốc xã vừa chuẩn bị ứng phó khi căng thẳng giữa nước này với Ai Cập và khối Ả Rập ngày càng dâng cao. Ban đầu, Skorzeny cũng nằm trong danh sách mục tiêu nhưng Giám đốc Mossad Isser Harel có một ý tưởng khác. Đó là dùng Skorzeny đối phó Ai Cập, vốn đang ra sức tuyển dụng nhiều cựu chuyên gia Đức để phát triển tên lửa có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân, theo Ha’aretz. Skorzeny được chọn vì có quan hệ tốt với giới chức Cairo cũng như không bị các chuyên gia Đức ở Ai Cập đề phòng.
Thế là năm 1962, Mossad cử 2 điệp viên giả làm du khách đến Madrid tìm kiếm cựu biệt kích và quyết định tiếp cận ông ta trong một quán rượu vắng người sau nhiều ngày điều nghiên. Thế nhưng vỏ bọc của họ không qua mắt được Skorzeny. Ông ta rút súng chĩa thẳng vào 2 “du khách Đức” và hét lớn: “Ta thừa biết các ngươi là ai và tại sao ở đây”.
Diễn biến sau đó, đến lượt Skorzeny hết sức bất ngờ khi nghe Mossad muốn chiêu dụ mình. Ông ta không ngần ngại đồng ý làm việc cho người Do Thái với điều kiện Mossad phải bảo đảm tính mạng cho mình đến cuối đời. Nhiều sử gia còn cho rằng Skorzeny đã chán cảnh sống thầm lặng ở Tây Ban Nha và muốn tìm kiếm lại cảm giác phấn khích của hiểm nguy. Thế là “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu” một lần nữa ra tay nhưng kỳ này lại ở một chiến tuyến không ai ngờ được.
Để ngăn chặn Ai Cập phát triển tên lửa, Mossad tiến hành chiến dịch Damocles bao gồm đe dọa các chuyên gia Đức, phá hoại, ám sát… Một trong những mục tiêu lớn nhất là Heinz Krug, chuyên gia tên lửa hàng đầu thời Đức Quốc xã và đóng vai trò chủ chốt trong chương trình tên lửa Ai Cập. Nhiệm vụ ám sát Krug giao cho Skorzeny vì 2 người có quan hệ tốt. Quyết định của Mossad đã tỏ ra hoàn toàn chính xác khi chính Krug chủ động liên hệ với Skorzeny để thuê ông ta làm vệ sĩ riêng mà không ngờ đã tự tay ký bản án tử cho chính mình, theo tờ Ha’aretz. Hai người hẹn nhau bàn công việc tại một khu rừng gần Munich (Đức) và vừa gặp là Skorzeny lập tức bắn gục mục tiêu rồi dùng a xít để phi tang thi thể. Ông ta cũng là tác giả vụ gửi bom thư làm chết 5 quân nhân Ai Cập tại cơ sở nghiên cứu vũ khí Factory 333.
Sau đó chiến dịch Damocles bại lộ và gây căng thẳng trong quan hệ Israel - Tây Đức nên Mossad buộc phải dừng tay. Tuy nhiên, cái chết của Krug đã khiến các nhà khoa học Đức ngừng hợp tác với Ai Cập và đến năm 1967, Cairo đành từ bỏ chương trình phát triển tên lửa nội địa.
Skorzeny cũng chấm dứt hợp tác với Mossad và trở về Tây Ban Nha sống cho tới khi qua đời vào tháng 7.1975 ở tuổi 67. Tại đám tang của ông ta, nhiều cựu binh Đức đã tới tiễn đưa mà không hề hay biết rằng người họ đang tiếc thương lại từng làm việc cho người Do Thái, mục tiêu tận diệt của chủ nghĩa phát xít.
Nhóm đánh thuê Paladin
Theo trang Réseau Voltaire, sau khi không còn làm việc cho Mossad, Otto Skorzeny dựng lên tổ chức đánh thuê khét tiếng Paladin vào năm 1970, đóng trụ sở tại Alicante, Tây Ban Nha. Với thành phần bao gồm cựu thành viên SS, các phần tử cực hữu cũng như một số nhóm vũ trang châu Âu, Paladin chuyên phục vụ các chính quyền độc tài và cực hữu thời đó. Khách hàng của tổ chức này có Cục An ninh quốc gia thuộc chế độ Apartheid ở Nam Phi, chính quyền độc tài Salazar ở Bồ Đào Nha và biệt đội tàn ác ACA chuyên đàn áp những người cộng sản tại Argentina.
Sau khi nhà độc tài Franco qua đời tháng 11.1975, 4 tháng sau cái chết của Skorzeny, Paladin không còn được chứa chấp tại Tây Ban Nha nên phải chạy sang Chile nương nhờ nhà độc tài Pinochet, rồi dần dần tan rã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.