Ông Hả kể trước kia ông làm y tá tại xã. Đến năm 1975, với mong ước chữa bệnh giúp đời, ông khăn gói lên TP.HCM học trung cấp đông và tây y. Sau khi tốt nghiệp, nhận bằng y sĩ, ông trở về làm việc tại trạm y tế xã. Trong quá trình khám chữa bệnh, nhận thấy nhiều hoàn cảnh khốn khổ, bệnh tật, già yếu không người chăm sóc, không tiền thuốc thang..., lòng ông ray rứt khôn nguôi. Từ đó, ông Hả quyết định xây dựng nơi cưu mang người bệnh, người già neo đơn.
Ngay trước cổng nhà, ông Hả cho treo tấm bảng “Cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn Lê Văn Hả”. Từ thời gian này, ông Hả bắt đầu đưa người bệnh về ở và tập trung chữa bệnh cho họ. Tiếng lành đồn xa, những người có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh... tìm đến xin chữa trị rồi tá túc luôn suốt nhiều năm trời, lúc đông nhất có hơn 50 người ở.
“Người ở lâu nhất cũng đã gần 15 năm, người gần nhất cũng 1 - 2 năm. Người lớn tuổi nhất là 92, người nhỏ nhất cũng trên dưới 40. Đa phần họ đều là những người già neo đơn, tàn tật, bệnh nan y, cả những người mồ côi cũng đang sinh sống ở đây. Những người có nhà, con cháu lo lắng thì đến đây ở lại điều trị vài ngày, vài tháng rồi về lại nhà, còn những người sống nhiều năm ở đây thì hoàn cảnh ai cũng bi thương lắm. Ai ở đây tôi cũng xem như người thân, cùng giúp đỡ nhau vui sống từng ngày”, ông Hả chia sẻ.
Ngồi trên xe lăn, anh Nguyễn Tuấn Linh (40 tuổi, quê ở Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), người đã ở đây gần 15 năm, kể: “Mẹ mất lúc tôi còn nhỏ. Năm 18 tuổi, sau cơn bạo bệnh, tôi mất đi đôi chân và sống trong cảnh gia đình không hòa thuận nên chuyển đến nhà bà con sống. Chẳng bao lâu, không chịu nổi cảnh bị xa lánh của nhà bà con nên tôi bỏ nhà ra đi. May mắn có người quen giới thiệu, tôi tìm tới chỗ ông Sáu và được cho chỗ ở, cơm nước, chăm sóc thuốc thang hằng ngày. Ông đã giúp tôi cảm nhận được tình thương của một người cha, cũng như hơi ấm của một gia đình từ lâu rồi tôi không tìm thấy được”.
|
Cụ Nguyễn Thị Bé Ba (92 tuổi, quê ở TP.Rạch Giá, Kiên Giang) kể: “Tôi một thân một mình không nơi nương tựa, phải sống ở chuồng heo bỏ hoang của người khác. Một lần tôi bị xỉu, được hàng xóm đưa vào nhà thương nhưng không có tiền chữa trị. May mắn, tôi được bà con chuyển đến chỗ của ông Sáu Hả. Tại đây, được ổng chăm sóc tận tình, lo thuốc thang suốt 3 năm qua nên bệnh tình thuyên giảm nhiều, đi đứng cũng dần bình thường trở lại”.
Là chỗ dựa tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh, ông Hả xem đó là niềm vui đời mình. Ông chia sẻ: “Còn sức khỏe là tôi tiếp tục. Tôi tự nguyện làm chứ không cần người ta cảm ơn và cũng không cần ai trả ơn. Chỉ cần những người này được hạnh phúc, yên vui, khỏe mạnh là tôi thấy vui rồi. Nhưng có một điều trăn trở là khi tôi mất đi, tôi mong có người tiếp nối duy trì công việc thiện nguyện này. Đừng để bị đứt đoạn, tội họ lắm”.
Bình luận (0)