Những “ngã rẽ” bất ngờ
Bên cạnh những người tốt nghiệp sư phạm để theo nghề giáo thì không ít thầy cô bắt đầu công việc này bằng những “ngã rẽ” bất ngờ. Câu chuyện của tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là một ví dụ.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô Phương Thùy nhận được học bổng học thạc sĩ, rồi tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học tại Hàn Quốc. Sau đó, nữ tiến sĩ tiếp tục chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Singapore. Khi kết thúc hợp đồng nghiên cứu thời hạn 3 năm, Phương Thùy quyết định không ký hợp đồng mới dù mức lương được trả ở thời điểm này đang hơn 100 triệu đồng/tháng.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm |
VĂN VŨ |
“Sau 10 năm gắn bó với công việc nghiên cứu, mình muốn được thay đổi. Quan trọng hơn là thực hiện theo định hướng của các thầy cô hướng dẫn - trở về Việt Nam giảng dạy để có cơ hội chia sẻ với bạn trẻ trong nước những kiến thức mới và kinh nghiệm làm nghiên cứu tích lũy được ở nước ngoài”, tiến sĩ Phương Thùy bày tỏ.
Từ bỏ vị trí quản lý, thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Quốc Việt, giảng viên Khoa Mạng máy tính và truyền thông Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chọn lại nghề giáo khi đã bước sang tuổi 47. Dù bắt đầu đứng trên bục giảng khi đã trải qua hơn 20 năm làm những công việc khác, nhưng bước ngoặt này của thạc sĩ Việt cũng không hoàn toàn bỡ ngỡ khi mà trước đó ông đã có sự chuẩn bị từ rất sớm.
Trong suốt hơn 20 năm, ông Việt kinh qua nhiều công việc và vị trí khác nhau trong lĩnh vực viễn thông. Trong đó, có lúc ông đảm nhiệm vai trò phó quản lý chi nhánh với khoảng 300 người cấp dưới. Ngay ở thời điểm lựa chọn thay đổi công việc, ông vẫn đang giữ vị trí quản lý với mức thu nhập tốt.
Tiến sĩ Phạm Thị Hương (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) |
nvcc |
Tiến sĩ Phạm Thị Hương, giảng viên Khoa Khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng chọn lại nghề sau 7 năm đi làm bên ngoài. Tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, tiến sĩ Hương đã làm nhiều công việc khác nhau từ thông dịch viên, phòng kinh doanh, phòng xuất nhập khẩu… Trong đó, có những giai đoạn tiến sĩ đã trải qua vị trí quản lý, rồi môi trường làm việc nước ngoài. “Nhưng sau 7 năm loay hoay làm nhiều công việc khác nhau bên ngoài, mình bắt đầu mong muốn được làm công việc mà mình đã chọn lựa từ khi vào ĐH - sư phạm”, tiến sĩ Hương chia sẻ.
Dù công việc giảng dạy không phải lựa chọn đầu tiên, nhưng các thầy cô này đều đang đón nhận niềm vui khi được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm bản thân cho người trẻ.
Niềm vui nơi giảng đường
Chỉ sau hơn một năm từ ngày về nước, giảng viên trẻ Phạm Thị Phương Thùy đã trở thành 1 trong 10 nhà nghiên cứu được trao tặng danh hiệu Quả cầu vàng năm 2018.
Nói về công việc hiện tại, tiến sĩ Thùy nhìn nhận: “Đi dạy vui vì có cơ hội tiếp xúc nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Mình cảm thấy vui hơn khi luôn cảm thấy được tôn trọng trong vai trò người đi trước và có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu thực tế của bản thân mình, khơi gợi đam mê nghiên cứu ở sinh viên”.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Quốc Việt chia sẻ: “Với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm đi làm bên ngoài, mình cảm thấy rất vui và thích công việc hiện tại. Trong môi trường này mình không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn được lan tỏa nhiều năng lượng tích cực từ những người trẻ. Mình cũng trẻ ra từ đó”.
Còn với tiến sĩ Phạm Thị Hương, chọn lựa nghề giáo một phần còn xuất phát từ ý nguyện của người cha. “Là một giáo viên, ba mình luôn mong muốn mình theo đuổi công việc giảng dạy. Đến hiện tại, mình thấy lựa chọn này là đúng. Nếu cho chọn bỏ dạy để làm công việc khác thì mình sẽ không chọn…”.
Bình luận (0)