Từ bộng đến nọc

11/03/2018 06:47 GMT+7

Trong vốn từ vựng của tiếng Việt, con hổ và con rắn vẫn “thường trú” chung trong một câu thành ngữ mà nhiều quyển từ điển đã ghi nhận: “hang hùm nọc rắn”...

Trong vốn từ vựng của tiếng Việt, con hổ và con rắn vẫn “thường trú” chung trong một câu thành ngữ mà nhiều quyển từ điển đã ghi nhận: “hang hùm nọc rắn”, còn bị cải biên thành “hang hùm miệng rắn”, như trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Vietlex, 2007, ảnh).
Từ điển thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1993) cũng ghi nhận y hệt như từ điển do Hoàng Phê chủ biên.
Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng những quyển từ điển này không sai vì đã ghi nhận câu thành ngữ đúng như nó vẫn được dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhưng cũng xin nói thẳng rằng đây là một câu đã bị làm cho trẹo trọ, méo mó, so với nguyên văn, giống như câu: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu cơm” bị “chế biến” thành: “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, hoàn toàn vô nghĩa. Ta nên biết “văn học dân gian” là một cách gọi hoàn toàn không xác đáng. Đó là văn học truyền miệng, mà sự sáng tạo không chỉ thuộc về dân chúng vì còn do các nho sĩ, văn nhân thời xưa góp phần vào nữa. Nhưng bất kể là tác giả của từng câu thành ngữ thuộc thành phần xã hội nào thì ta cũng phải biết rằng họ rất rành về cấu trúc hình thức và nội dung của thành ngữ. Cho nên họ sẽ không đem “nọc rắn” mà đối với “hang hùm”. Hang hùm là “địa chỉ thường trú” của hổ còn “nọc rắn” thì lại nằm trong miệng của loài bò sát này. Cách đối rõ ràng là không cân xứng. Cân xứng là câu: “Miệng hùm nọc rắn”. Cả “miệng” lẫn “nọc” đều là những bộ phận thân thể của hai loài vật hữu quan. Vậy để cho cân đối, ta có thể khẳng định một cách không chủ quan rằng nguyên văn của câu thành ngữ kia là “Hang hùm bộng rắn”. Bộng là gì? Là hốc trong thân cây, chỗ bị khoét rỗng mà một vài loài động vật có thể tận dụng để làm tổ (ổ), hoặc chỗ ở, như bộng kiến, bộng ong, bộng rắn. Ta có thể thấy việc rắn lấy bộng cây làm chỗ ở trong câu ca dao: Tuổi Tỵ rắn ở bộng cây Nằm khoanh trong bộng có hay chuyện gì.
Vậy “Hang hùm bộng rắn” là một câu thành ngữ mà thế đối cả về chữ lẫn nghĩa đều rất chỉnh. Hang hùm và bộng rắn đều là chỗ ở và đều là chỗ nguy hiểm. Với “hang hùm” thì Hồ Xuân Hương đã cảnh báo Chiêu Hổ: Chốn ấy hang hùm chớ mó tay. Dĩ nhiên là ở đây thì Xuân Hương chơi nghĩa bóng, nhưng cái nghĩa bóng này lại xuất phát từ móng vuốt sắc nhọn của loài hổ. Một dị bản về nghĩa của câu “Hang hùm bộng rắn” là “Hang hùm đầm rắn”, như đã được ghi chép trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và được giảng là “nơi nguy hiểm, tới thế nào cũng chết hoặc bị hại”.
Vậy câu thành ngữ chính xác phải là “Hang hùm bộng rắn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.