Người Việt xưa chủ yếu là nông dân, cuộc sống ở nông thôn. Nay tuy đủ ngành nghề nhưng nông dân vẫn đông nhất.
Hôm trước trong đám hiếu, ông anh tôi buột miệng đọc câu lục bát: Sống thì sống đủ một trăm/Chết thì chết đúng hai nhăm tháng mười.
Thật bất ngờ. Ước sống trăm tuổi thì hiểu rồi. Khi nói về người đã khuất, các cụ vẫn hay bảo “ông (bà) ấy đã hai năm mươi”. Hai năm mươi là một trăm. Trăm tuổi. Đã chết. Một sự ra đi trọn vẹn, đạt điều mong muốn của mọi người, dù chả mấy ai được chết vào tuổi ấy.
Nhưng sao lại mong ước chết đúng hai nhăm tháng mười? Tôi hỏi thì ông anh cười bảo: Đó là ngày bắt đầu có cơm mới, khi mùa màng thu hoạch xong, rơm lên đống, thóc vào bồ.
Thì ra tận đến chết người ta vẫn lo cái ăn. Vẫn lo đói.
Cái đói đã rình rập hết thế hệ này đến thế hệ khác, ám ảnh đói hình như ăn vào gien dân ta mất rồi. Gặp nhau buổi sáng, thậm chí cả chiều hoặc tối, thay vì hỏi thăm nhau có khỏe không, có ổn không… thì người ta lại ân cần: Ăn cơm chưa? Con tôi kể: “Con chơi với một đứa bạn Thụy Điển, có lần nó nhận xét dân mày đói triền miên hay sao, cứ gặp nhau là hỏi ăn chưa, mà rất hay nói chuyện ăn. Ra đường giờ nào lúc nào cũng thấy ăn, gặp nhau là rủ vào quán”. Nếu bị cậu Thụy Điển ấy vặn, chắc tôi cũng ú ớ.
Tôi không mắc chứng hỏi “ăn chưa?” nhưng quan sát thấy cách hỏi han ấy quả rất phổ biến. Nó góp phần làm rõ thêm về câu ca dao trên.
Anh họ tôi chưa đầy 70, là nông dân, giờ vẫn chưa quên câu ca dao xưa cũ dù đời sống đã khá hơn trước rất nhiều. Nhiều người đọc sách hoặc làm cán bộ này nọ có thể không biết câu ấy nhưng nông dân thì nhiều người vẫn nhớ.
Có một người già ở thôn quê bảo tôi, nước mình làm kinh tế cứ như chơi chứng khoán, như đánh lô đề… Trúng chả mấy, thất bát thì nhiều. Nếu người ta nhớ câu ca dao đó khi làm công vụ thì có thể đất nước sẽ khá hơn. Ý nghĩ này đúng lắm. Vì xét cho cùng, trừ nhóm lợi ích, hiện thời đa phần dân ta, nhất là nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn sống trong vòng kiềm tỏa của mối lo đói kém.
Đỗ Đức
Bình luận (0)