Từ câu nói của con trai 4 tuổi, người mẹ giúp... bé nào cũng có danh hiệu

30/05/2019 17:35 GMT+7

Bé nào cũng có danh hiệu, giấy khen cho thế mạnh của bé, bé vẽ tranh đẹp nhất, bé hát hay nhất, bé viết chữ đẹp nhất… Đó là cách một bà mẹ giúp con và tất cả bạn của con mình thêm tự tin về bản thân.

Tại sao lại tạo bầu không khí đáng thương cho trẻ?

Mỗi dịp cuối năm học, mạng xã hội lại xôn xao với những bảng điểm ai đó khoe thành tích của con, và những trăn trở về giấy khen, thứ hạng mà con đã có. Nhiều đứa trẻ tội nghiệp bị mang ra so sánh, chì chiết khi không đạt được danh hiệu như mẹ cha kỳ vọng. Có một người mẹ, luôn mong con mình, và những người bạn của con không bao giờ phải chịu những nỗi buồn vô lý như vậy. Chị nói với phóng viên Thanh Niên: “Tại sao lại tạo bầu không khí đáng thương cho những đứa trẻ, chúng đều là những thiên tài, đâu có thể bắt con cá leo cây, con khỉ lội nước. Không cần cứ phải giỏi toán, giỏi tiếng Việt hay tiếng Anh mới là giỏi. Bất cứ đứa trẻ nào cũng xứng đáng nhận tất cả những yêu thương, món quà cho sự cố gắng của con”.

Người mẹ đó tên là Thiệp Ngần, trú ở quận 8, TP.HCM, hai con của chị một bé 10 tuổi, bé thứ hai 7 tuổi và đang học ở một miền quê tỉnh Bình Phước. Động lực giúp chị làm được điều này, đó là một câu nói của con trai, khi đang học mẫu giáo.
Đã nhiều năm trôi qua, chị Thiệp Ngần chưa thể quên được ánh mắt buồn vô hạn của con trai chị, khi con mới 4 tuổi. Đến tổng kết năm học các bạn được nhận quà khen thưởng, có danh hiệu, còn con trai chị, tên là Điền không được nhận.
“Con không khóc mà chỉ buồn bã nói: “Mẹ ơi Điền không ngoan nên không được nhận quà phải không mẹ?” Tôi có cảm giác đau thắt trong lòng khi nghe con nói. Người mẹ như tôi không biết nói gì hơn ngoài việc phủ nhận điều đó, tôi mua rất nhiều quà cho con. Nhưng con trai tôi bảo, “con chỉ cần quà của cô cho như các bạn thôi”. Một đứa bé mới 4 tuổi đâu có thể hiểu được các tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng của nhà trường. Con cứ khăng khăng là do con không ngoan nên không được thưởng. Tôi rất buồn khi nhìn khung cảnh buổi trao thưởng hôm đó, nhiều bé khóc, hụt hẫng khi nhìn các bạn lên nhận phần thưởng, còn mình thì không.

Việc làm nhỏ, hạnh phúc lớn

Năm sau, con học lớp 5 tuổi, lần này con được khen thưởng, có danh hiệu, nhưng tôi không thể nào quên nổi ánh mắt buồn bã của con và của các bạn không được nhận quà năm trước. Cuối năm học, trong buổi họp phụ huynh, tôi đề nghị cô giáo tặng quà cho cả lớp, bất cứ bạn nào cũng có quà và được khen thưởng, với những thế mạnh của mỗi con. Bé viết chữ đẹp nhất, bé làm toán giỏi nhất, bé hát hay nhất, bé tóc dài nhất, bé múa dẻo nhất… Tôi ủng hộ thêm một số tiền vào quỹ, để cô giáo mua quà. Việc làm nhỏ, hạnh phúc lớn, các bé ai cũng vui cười vì được cô giáo tặng quà”.

Cho đến nay, khi con lớn đã 10 tuổi, con út đã 7 tuổi, chị Thiệp Ngần luôn vận động phụ huynh và các cô giáo ủng hộ cách khen thưởng cho tất cả học sinh như vậy. “Tôi chỉ là một người mẹ, ham học, luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường con đến”, chị Ngần khiêm tốn giới thiệu về bản thân mình.
Theo chị Thiệp Ngần, chúng ta đừng nặng nề về khái niệm khen thưởng giấy khen, danh hiệu đối với trẻ mầm non và tiểu học. Các món quà cho mỗi em rất đơn giản, có thể là bức hình của lớp để trong khung, có thể là cây bút, có thể là cuốn tập…, giá trị món quà tặng không quan trọng bằng lý do các con được tặng, các con sẽ có thêm niềm tin, sự tự tin về bản thân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.