Tôi vẫn còn nhớ ngày gặp shipper Huỳnh Hữu Phước, một ngày tháng 11 năm 2022. Phước khi ấy, khuôn mặt nhiều nỗi mệt mỏi, nước da đen sạm, loang loáng mồ hôi, chiếc áo khoác như thường thấy của các shipper bạc phếch vì nắng mưa cùng với đôi găng tay xỉn màu. Ngày hôm ấy Phước mới giao được mấy đơn hàng thì tắt app vì nhận được điện thoại phỏng vấn từ Báo Thanh Niên.
Chúng tôi - những phóng viên Báo Thanh Niên, cùng với những người sử dụng mạng xã hội - mấy ngày trước đã vô cùng bất ngờ trước hình ảnh Phước, mặc đồ shipper và đặt câu hỏi giao lưu bằng tiếng Pháp với nhà văn nổi tiếng Marc Levy. Phước là ai? Một chàng shipper đơn thuần và ham học hỏi, học tiếng Pháp vì sở thích hay đằng sau một gương mặt thư sinh, ngày ngày phải chạy xe đi giao hàng là một cuộc sống nhiều biến cố mà chúng ta chưa biết? Những câu hỏi ấy thúc giục chúng tôi phải gặp Phước, trong một bài viết về anh.
Câu chuyện được lật mở. Chúng tôi phỏng vấn Phước và phỏng vấn cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để hiểu hơn về cuộc sống nhiều biến cố của chàng shipper nghèo nhưng nghị lực, tài năng.
Phước là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Vốn được gia đình chăm lo, bảo bọc từ nhỏ, Phước được học tiếng Pháp từ năm lớp 1 đến lớp 9. Năm 18 tuổi, Phước thi đậu Khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vài tháng sau thì biến cố gia đình ập đến, ngôi nhà không còn, cha mẹ mỗi người một nơi, Phước ở trọ, bắt đầu phải đi làm nhiều việc để trang trải cuộc sống, từ phụ quán ăn, bảo vệ, bưng cà phê, làm shipper… Ban đầu, mẹ còn có thể gồng gánh, hỗ trợ cho Phước đóng học phí, nhưng dần dần không nổi. Công việc làm thêm từ đó với Phước càng dày đặc hơn.
Người bình thường đi làm 8 tiếng mỗi ngày, Phước thường làm tới 10-12 tiếng đồng hồ, một lúc kiêm 2-3 việc mới đủ trả tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, học phí, trang trải áp lực cơm áo gạo tiền… Làm thêm nhiều, mệt quá, có đợt Phước thi rớt hết môn. Do đó, dù được giúp đỡ nhiều về tài chính, học phí, cả những sự động viên của thầy cô ở Khoa Tiếng Pháp nhưng khi ở giữa năm thứ 3, Phước xin bảo lưu việc học ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để trước mắt lo mưu sinh.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Điều xúc động nhất, dù làm công việc gì hay shipper, tới đâu Phước cũng mang theo sách tiếng Pháp và từ điển để khi có thời gian là đọc. Còn đêm đêm, trở về gian nhà trọ ở TP.Thủ Đức khi ấy, lúc mà có khi đã 11, 12 giờ đêm, Phước vẫn chong đèn đọc sách, dịch sách, hy vọng một ngày em được trở lại giảng đường thì kiến thức vẫn không rơi rớt. Không chỉ sử dụng tốt tiếng Pháp, tiếng Anh, Phước còn chăm chỉ tự học tiếng Trung, tiếng Nhật.
Chàng shipper Huỳnh Hữu Phước năm 2022, khi PV Báo Thanh Niên tới nhà trọ
Thúy Hằng
Chính câu hỏi bằng tiếng Pháp anh đặt cho nhà văn Marc Levy ở đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) hồi tháng 11.2022 cũng xuất phát từ chính niềm đam mê văn chương Pháp, sự hiếu học tiếng Pháp của chàng trai. Phước không nghĩ tới việc được nổi tiếng sau câu hỏi ấy. Anh cũng không biết nhiều người sẽ đăng video anh nói tiếng Pháp lên mạng. Bởi đặt xong câu hỏi, Phước lại mở app giao hàng, bận bịu cho những chuyến xe, giao từng hộp cơm, ly trà sữa để mưu sinh.
Ngày chúng tôi tới phòng trọ của Phước, điều choáng ngợp và khâm phục cho bất cứ ai nhìn thấy, đó chính là gian nhà nhỏ, song rất ngăn nắp. Đặc biệt, một giá sách lớn, cao đến đụng trần, với hàng trăm đầu sách được xếp rất gọn gàng. Trên bàn học là nhiều đầu sách đang đọc dở. Phước còn nuôi mèo, con mèo thấy chủ về nhà cứ quấn chân mãi. Chỉ vậy thôi, chúng tôi đã thấy sống mũi mình cay cay…
Sau 3 tuần những bài viết về Phước đăng tải trên Thanh Niên Online, Phước đã nhận được số tiền ủng hộ rất lớn từ bạn đọc báo. Con số thực sự rất lớn, đến chính Phước cũng không thể ngờ - dù trước đó Phước đã nói xin bạn đọc dừng quyên góp, bạn chỉ xin nhận đủ số tiền để đi học, còn lại xin mọi người hãy để dành cho các trường hợp khó khăn khác. Ngày tòa soạn Báo Thanh Niên trao tiền ủng hộ tới Phước, chàng shipper nghèo cho biết chỉ nhận đúng đủ tiền để bạn tiếp tục nuôi ước mơ trở thành một giảng viên tiếng Pháp, được tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Còn lại, Phước đã bảo trợ cho các hoàn cảnh học sinh, sinh viên mồ côi vì Covid-19 trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên.
Nhờ những ân tình của bạn đọc Thanh Niên Online, Phước bây giờ đã trở lại giảng đường Khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Như cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - người hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho Phước trước đây, cũng là giáo viên cố vấn học tập của Phước - nói trong ngày đến tòa soạn Báo Thanh Niên: “Điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất là dù cuộc sống thử thách Phước rất nhiều, bạn bảo lưu việc học đã 2 năm nhưng sự ham học, ý chí quyết tâm học của bạn rất mạnh mẽ".
Dù hiện nay đã không còn chạy xe giao hàng kiếm tiền lo kế sinh nhai với nhiều vất vả, Phước yên tâm học tập nhưng vẫn chăm chỉ lao động chân chính bằng chính công sức, trí tuệ của mình. Anh ngày ngày làm công việc dịch sách tiếng Pháp. Tháng 7.2023 là một dấu ấn của Huỳnh Hữu Phước khi cuốn sách do anh dịch đã được xuất bản - cuốn Con Gái của nhà văn người Pháp Camille Laurens.
Cuộc sống ngày ngày trôi đi, giữa những nỗi lo lắng đơn thuần trong cuộc sống vốn dĩ đã nhiều chông gai, Phước vẫn đang phải uống thuốc điều trị rối loạn lo âu, vẫn đang cố gắng kiểm soát những lo lắng của mình. Nhưng rõ ràng, cuộc sống của chàng trai 26 tuổi, đến hôm nay đã tươi đẹp hơn rất nhiều so với một năm về trước.
Phước nói anh không mong cuộc sống của mình phải thành công rực rỡ, chỉ luôn chọn cách sống đầy hy vọng. Sống có hy vọng - như nhà văn Lỗ Tấn nói trong tác phẩm Cố Hương “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”, trở thành một niềm tin mãnh liệt trong “chàng shipper” nghèo ngày nào.
Phước giãi bày: “Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng cuộc sống vốn là ông trời dúi vào tay mình. Không nhận thì áy náy, nhận thì không biết sống như thế nào. Nhưng bây giờ, tôi đã tận hưởng nó - tận hưởng cả những căng thẳng, vất vả trong học tập, công việc mình đang phải đối mặt, tận hưởng cả những bình an, vui vẻ mà mình có. Nếu chúng ta thấy áp lực thì nó là áp lực. Chúng ta thấy nhẹ nhàng thì nó là nhẹ nhàng. Cuộc sống như thế nào là do cách mình nhìn nhận".
Vẫn chiếc xe Cub được một bạn đọc báo Thanh Niên Online tặng, chiếc áo thun, đôi giày và một chiếc túi đeo sát bên người, bên trong là cuốn sách tiếng Pháp và cuốn từ điển, thi thoảng chúng tôi vẫn gặp Phước đâu đó ở những quán cà phê vỉa hè khu Q.3, Q.5. Gương mặt chăm chú vào trang sách, mắt kính có vẻ như mỗi lúc một dày thêm, nụ cười sáng bừng trên khuôn mặt đầy sự thân thiện, chân thành của Phước là không thay đổi.
Vài lần, trong một số chương trình trò chuyện với các khán giả trẻ tuổi, cùng với một số khách mời là gen Z, chúng tôi hỏi Phước mấy câu hỏi quen thuộc, đại ý rằng là một người từng đi qua nhiều sóng gió, biến cố, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa như mình không. Thật xúc động, chúng tôi nhận được những câu trả lời rất chân thành, mộc mạc nhưng đúng là con người của Phước.
“Tôi chỉ thấy rằng mỗi người đừng nên chỉ nhìn vào những thành công, hào quang của người khác và áp lực. Mỗi người, để có được những hào quang, những thành công thì phía sau đó đều là những mồ hôi, nước mắt, những sự đánh đổi rất gian truân ít người thấy được. Nên mình chọn cách sống trước khi là chính mình thì phải hiểu về chính mình, nhìn thấy điểm mạnh của mình là đâu, tố chất của mình thế nào. Thay vì nhìn vào thành công của người khác, hãy cố gắng để mỗi ngày hôm nay mình tốt hơn ngày hôm qua", chàng shipper nói tiếng Pháp ngày nào giờ là một dịch giả bày tỏ.
Bình luận (0)