Trái với vẻ “gai góc” thường thấy của nghệ sĩ đường phố, chàng trai đam mê graffiti Daos501 (tên thật là Đào, 31 tuổi) là một người điềm đạm, tử tế trong từng câu nói và cách suy nghĩ.
Cái tên Daos501 không còn xa lạ trong giới graffiti Việt Nam |
thanh dung |
“Cởi trói” bản thân khỏi định kiến xã hội
Đào cho biết anh đến với graffiti (vẽ lên tường bằng sơn phun) vì tuổi thơ bị “trói buộc” trong những nguyên tắc, định kiến của xã hội, những gì số đông không làm thì anh không được phép thử. 15 tuổi, anh tìm thấy sự yêu thích ở graffiti.
“Tôi từng đi trộm vặt những chai sơn khi còn là đứa trẻ ngây ngô, vẽ bậy rồi bị đuổi đánh, sau đó vẫn lén quay lại để hoàn thành tác phẩm 'bậy' của mình. Người ta bảo tôi là thằng ất ơ phá làng phá xóm nhưng sau khi thấy tác phẩm hoàn chỉnh, họ lại dành lời khen”, Đào kể.
Dùng cần cẩu vẽ tranh khổng lồ trên chung cư cũ TP.HCM: Cư dân khen đẹp! |
Bố mẹ lo lắng nên muốn anh tập trung học tập. Thế là, Đào vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế nội thất cùng lúc theo đuổi đam mê graffiti.
Anh tự mày mò tìm hiểu cách phun sơn, chọn màu đến viết chữ, tạo nét. Với tài vẽ truyện tranh, Đào nhận thêm các công việc như thiết kế hay vẽ tranh thuê cho các nhãn hàng, công ty để có thu nhập đầu tư lâu dài cho graffiti.
Graffiti là loại hình dùng sơn xịt để vẽ lên tường |
Thanh Dung |
Muốn tự do sáng tạo dù bị “kỳ thị”, anh lân la khắp ngõ ngách Sài Gòn, tụ tập cùng bạn bè đi vẽ lên tường, luôn trong tư thế sẵn sàng... chạy nếu bị phát hiện. Ban đầu chỉ đơn giản là vẽ tên mình lên tường, sau này với sở trường vẽ truyện tranh, anh kết hợp thành những bức họa mang hơi hướng đường phố Mỹ.
“Tôi vẽ tự do chứ không lên ý tưởng sẵn, cứ cầm sơn phác thảo lên tường, chia mảng, tô màu và lên hiệu ứng riêng, cuối cùng là đi nét và ký tên. Ở graffiti, chúng tôi không nhận diện nhau qua gương mặt mà là hiệu ứng cá nhân được sử dụng trong tranh”, Đào nói.
Kết nối graffiti với mọi người thông qua chuyện trò
Đào là chàng trai đặc biệt khi không sử dụng mạng xã hội mà thích gặp gỡ bạn bè ở đường phố, la cà quán xá và giao tiếp trực tiếp với nhau. Anh muốn mọi người biết đến một Daos501 qua những bức tranh trên phố hơn là một người xuất hiện trên mạng xã hội.
“Người vẽ graffiti như chúng tôi “sợ” lộ mặt vì vốn dĩ, thể loại này chưa được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam. Nhưng tôi theo đuổi vì thấy cái đẹp của nó. Graffiti đẹp vì sự hoang dại vốn có, nếu ổn định hóa thì chỉ còn là bức họa nhạt nhẽo trên tường”, anh chia sẻ.
Bức tranh mà anh Đào đang thực hiện trong dự án Saigon Urban Arts 2021 |
Thanh Dung |
Định kiến của xã hội dành cho người vẽ graffiti vẫn tồn tại, Đào không xoay chuyển mình để thích hợp với nó mà tìm cách để bản thân và cộng đồng kết nối với nhau qua từng nét vẽ, giao tiếp với mọi người là cách để tranh của anh đến gần hơn với họ.
“Họ bảo chúng tôi là những đứa không học thức, ngỗ nghịch, chỉ biết ăn chơi rồi đi vẽ bậy chứ không giúp gì cho xã hội hay gia đình. Tôi chỉ biết cười trừ và lắng nghe sự chê trách hoặc sẽ chuyện trò để họ hiểu về chúng tôi nhiều hơn”, anh nói.
Từ một đứa trẻ bị bắt vì vẽ bậy, Đào thành công khi tổ chức nhiều buổi triển lãm với dòng tranh graffiti và được Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM mời hợp tác trong dự án Saigon Urban Arts 2021. Đây là dự án tôn vinh nét đẹp của nghệ thuật đường phố, làm đẹp cảnh quan đô thị và kết nối với mọi người. Dự án lần này nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững, do Viện Pháp tại Việt Nam (thuộc Đại sứ quán Pháp) cùng Viện Goethe (tổ chức văn hóa Cộng hòa liên bang Đức) đồng tổ chức.
Thật trùng hợp là cách đây 10 năm, Đào từng bị mời lên đồn công an vì vẽ bậy lên tường thuộc sở hữu của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.
Trong dự án lần này, Đào được phép tự do phun xịt và tô vẽ lên toàn bộ một mặt tường lớn của chung cư 1A, Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM) từ ngày 4 - 10.12. Với mục tiêu phát triển bền vững mà dự án yêu cầu, anh nhận ra con người phải có được môi trường sống tốt đẹp. Thế là, anh vẽ đứa trẻ vươn mình rạng rỡ trong nắng, xung quanh là hoa cỏ, chim muôn và cả bóng bay đại diện cho điều tốt đẹp trong xã hội, mang theo ước mơ về cuộc sống hạnh phúc.
Dự án mà Đào thực hiện đã rất thành công khi cải tạo và làm mới hoàn toàn những bức tường cũ, nhận được sự hoan nghênh và hào hứng từ cư dân. Bà Frédérique Horn, Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM, đánh giá: “Đây là những tác phẩm nghệ thuật đường phố thật sự và đang làm đẹp thành phố. Đào là một nghệ sĩ graffiti tài năng và có nhiều ảnh hưởng về chuyên môn cho những nghệ sĩ trẻ theo đuổi graffiti đích thực”.
Anh mê sự tương phản trong màu sắc ở graffiti và thích sự hoang dại của nó |
Thanh Dung |
“Người ta nói tôi đang kể chuyện cổ tích, từ vẽ bậy đến được tung hô, sau này sẽ ảnh hưởng xấu đến người trẻ. Với tôi, tốt xấu phân định rõ ràng, sai thì chịu phạt, tốt thì được khen. Quan trọng là bản thân phải định hướng đúng, đừng để cám dỗ phá hủy mình”, anh nói.
15 năm theo đuổi graffiti, Đào cảm thấy hạnh phúc khi tìm được niềm vui trong công việc, lời chê trách hay khi bế tắc lại trở thành vốn sống cho anh. Theo đuổi phong cách đường phố nhưng với mọi người, Đào là một chàng trai điềm đạm, học thức và sống chan hòa.
Nguyễn Ngọc Thanh Tùng (sinh viên ngành văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) nhận thấy graffiti đang rất phát triển ở Hà Nội và TP.HCM. “Một số tác phẩm truyền tải nhiều thông điệp tích cực đến mọi người, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan cho đô thị, kích thích thị giác cho người xem. Tuy nhiên nó sẽ phù hợp hơn và được đón nhận nếu vẽ đúng nơi, đúng chỗ. Với người theo graffiti 'nửa vời' thì đang làm sai lệch hình ảnh nghệ sĩ thực thụ”, Tùng nói.
Còn Dương Ngọc Mai Anh, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nhận thấy graffiti đang thể hiện cá tính của người vẽ và nó từng được xem là sự nổi loạn, phá cách của người trẻ. “Không có phong cách nào xấu, chỉ là nó có được đặt đúng nơi phù hợp hay không. Sẽ rất tuyệt vời nếu graffiti làm những bức tường ố màu trở nên rực rỡ, còn ở nơi đã có quy hoạch thì không nên”, Mai Anh chia sẻ.
Bình luận (0)