Từ châu Âu về tránh dịch Covid-19: 'Chúng em cúi đầu xin lỗi Tổ quốc!'

26/03/2020 08:23 GMT+7

Bốn bạn trẻ là du học sinh ở châu Âu , tự cúi đầu nhận lỗi với Tổ quốc vì chọn cách quay về Việt Nam tránh dịch Covid-19 và “chuộc lỗi” bằng cách cố gắng tổ chức cuộc sống ở khu cách ly theo cách tốt nhất.

Đội Sao Đỏ thiện nguyện

Đặng Thị Ngọc Ánh (học ngành kinh tế luật), Đinh Lan Phương (ngành lập trình tự động hóa), Nguyễn Tuấn Anh (công nghệ thông tin) là 3 bạn trẻ đang du học ở Berlin (Đức). Còn Nguyễn Văn Hoàng đang sống ở Nga, gặp rồi quen thân với nhóm của Ánh khi cả 4 về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 20.3, sau hành trình “trốn chạy dịch Covid-19”. Những ngày sống ở khu cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cả 4 bạn trẻ đã cùng chung nhận thức về tình cảnh của mình và đồng bào từ châu Âu trở về tránh dịch.

Khu nhà cách ly mà các bạn đang ở

“Việc trở về hay ở lại đã có rất nhiều bàn luận, nhưng chúng em nghĩ, đó là quyết định do hoàn cảnh rất riêng của mỗi người. Còn với chúng em, đầu tiên chúng em cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người vì chúng em là những người chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Chính chúng em là những người hiện tại đang chất thêm gánh nặng lên vai Tổ quốc”, đại diện của nhóm, Đặng Thị Ngọc Ánh, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Hằng ngày, mỗi khi đọc tin một số người về nước phát ngôn hay đòi hỏi tại các khu cách ly khiến hình ảnh người Việt Nam từ nước ngoài về tránh dịch trở nên xấu xí, Ánh và các bạn đều thấy khổ tâm. Đáng buồn hơn là ngay tại khu cách ly, chính các bạn cũng chứng kiến nhiều cảnh nhộn nhạo do những người đang ở gây nên. Vì thế, nhóm của Ánh đã quyết định hành động, tự đứng ra làm “Sao Đỏ” để tổ chức cuộc sống ở khu cách ly tốt hơn, ít “làm phiền” nhất tới các chú bộ đội, những người phục vụ tại đây.

Sinh viên trắng đêm dọn phòng vì ký túc xá thành khu cách ly

Ngay sau khi nhận phòng, Ánh và các bạn đã tự giác làm vệ sinh phòng ở sạch sẽ. Ý thức đó của nhóm Ánh đã lan tỏa được tới những người lớn tuổi hơn. Thậm chí, nhóm của Ánh không ngại va chạm, sẵn sàng bày tỏ thái độ bất bình, bảo vệ “các chú bộ đội” một cách kiên quyết khi những cô chú lớn tuổi trong khu cách ly có thái độ không đúng mực với họ.

Các bạn tự chuyển tiền để góp sức nhỏ cho chống dịch

Không chỉ biết tốt cho mình

Việt Nam có 148 bệnh nhân Covid-19 sau khi liên tiếp công bố 7 ca bệnh mới

Với ý thức giữ giấc ngủ ngon, không bị gián đoạn giữa đêm hôm cho các chú bộ đội, nhóm của Ánh tự nguyện biến phòng ở của mình thành nơi tiếp tế cho các phòng khác. Chẳng hạn, nếu các phòng cùng tầng thiếu những tiện nghi phục vụ, thay vì việc gọi các chú bộ đội, thì họ chỉ cần đến phòng của Ánh và các bạn.
“Chúng em đã thống nhất rồi đề nghị với các chú bộ đội để được trả tiền ăn ở, nhưng các chú không nhận mà nói với chúng em, nếu muốn ủng hộ thì chuyển vào tài khoản nhà nước”, Ánh kể, rồi chia sẻ thêm: “Chúng em mong chính thế hệ trẻ của chúng em khi đã lựa chọn cho mình một phương án nào thì hãy cố gắng biến phương án đó tốt không chỉ cho bản thân, mà còn tốt cho tất cả mọi người”.
 Từ châu Âu về tránh dịch Covid-19: Học được cách chia sẻ, sự hy sinh
Những chia sẻ của Ánh về hành động của nhóm ở khu cách ly trên mạng xã hội nhận được 1.400 lượt chia sẻ từ cư dân mạng. Chia sẻ với PV Thanh Niên, Ánh cho biết em mong chóng trôi qua những ngày cách ly để an toàn trở về quê (Quảng Bình). Trải nghiệm đáng quý với Ánh ở khu cách ly không phải chuyện dọn dẹp nhà cửa hay giặt giũ quần áo, mà là học được cách chia sẻ, cách cảm nhận sự hy sinh vì người khác từ các chú bộ đội.
“Đây là những trải nghiệm chúng em không bao giờ quên. Chúng em đã có những ngày “sống chậm” trong dịch Covid-19, nó như một nốt nhạc trầm trong cả bản nhạc của tuổi trẻ sống quá vội của chúng em”, Ánh tâm sự.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.