Vấn đề mất cân bằng hệ sinh thái đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết và nếu chúng ta không có những động thái nhất định để ngăn chặn thì những sự việc tương tự có thể xảy ra tại Việt Nam. Hãy cùng những người trẻ đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Con người phải tự cứu mình
Để tránh những sự cố đáng tiếc về môi trường có thể xảy ra trong tương lai, gây tổn hại đến những cánh rừng, những người trẻ đang hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, trồng rừng đã đưa ra những ý kiến, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp trong tương lai.
Vừng Minh Quân (28 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người sáng lập dự án 1 triệu cây xanh) chia sẻ: “Vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên không phải trách nhiệm của riêng ai mà đó là của tất cả mọi người. Với người trẻ, chúng ta cũng có thể góp chút công sức vào việc tái tạo lại môi trường như ủng hộ các quỹ môi trường, quỹ cây xanh, hạn chế hoặc không sử dụng túi ni lông, các sản phẩm dùng một lần, sử dụng tiết kiệm các nguồn điện năng, tham gia trồng rừng,… một cá nhân không thể làm nên mùa xuân nhưng nếu có nhiều cá nhân cùng nhau hành động thì sẽ có một màu xanh trở lại.
Nicholas Nguyễn (18 tuổi, người sáng lập Rebuild Forest - tổ chức phi lợi nhuận của người trẻ có mong muốn bảo vệ môi trường và tái tạo nên một hành tinh xanh) bày tỏ: “Điều đầu tiên và thiết thực mà mọi người nên làm chính là mua cây về trồng trong chính căn nhà mình. Em luôn kêu gọi mọi người đừng chờ đợi phép màu mà mỗi người nên tham gia vào việc trồng cây, trồng rừng, ngay bây giờ. Thực chất, nếu không trồng được cây thì mọi người có thể cố gắng đừng làm hại tới môi trường phát triển của cây, như tiết kiệm điện, nước, hạn chế rả rác,… Vì trong đất luôn có những mầm cây, khi mưa xuống lại thành cây, nhiều cây lại thành rừng. Trái đất không sợ biến đổi khí hậu, cháy rừng, hạn hán,… chỉ có con người mới sợ chính những hậu quả từ việc hủy hoại Trái đất của mình. Con người phải tự cứu mình chứ không phải Trái đất.
Hãy bảo vệ môi trường bằng cách trực tiếp và gián tiếp
Trần Minh Triết (sinh viên năm 2 Trường ĐH Văn Lang) thường tham gia những hoạt động môi trường tình nguyện, cho biết: “Chúng ta không thể thờ ơ khi trong những năm gần đây tình trạng cháy rừng trên diện rộng liên tục xảy ra. Đầu tiên là Amazon và sau đó là rừng nguyên sinh của Úc, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường bằng cả hai cách trực tiếp và gián tiếp thì những thảm họa thiên nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra. Trực tiếp ở đây là chúng ta tham gia vào những ngày hội trồng cây, quyên tiền vào những quỹ phủ xanh đồi trọc..., đó đều là những việc làm bảo vệ và phục hồi môi trường. Gián tiếp là thông qua ý thức giảm thải sử dụng bao ni lông trong cuộc sống, sử dụng các sản phẩm “xanh” và tuyên truyền cho mọi người kiến thức về sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính... đang thực sự tác động lên chúng ta từng ngày và nếu không bảo vệ môi trường thì tương lai chính chúng ta sẽ tự tiêu diệt chính mình”.
Đồng quan điểm, Ngô Trần Khải Vy (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta đang được hít thở bầu không khí và được sống ở Trái đất chính là nhờ sự tồn tại của cây rừng, vậy chúng ta phải có nghĩa vụ gìn giữ nơi mà chúng ta đang sống. Từ kinh nghiệm của chính bản thân, mình luôn tự nhận thấy có một phần trách nhiệm với những thay đổi của thiên nhiên. Vì vậy mình rất muốn tổ chức thêm những buổi nói chuyện hay chia sẻ về môi trường, đặc biệt là với các em nhỏ. Chính việc dạy cho các bé hiểu tầm quan trọng của cây rừng, tạo cho các em có một ý thức gìn giữ thiên nhiên chính là một trong những cách hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường.
Rừng ở đâu thì cũng thuộc về Trái đất này
Những hình ảnh khiến nhiều người thấy nao lòng không cầm được nước mắt như chú Kangaroo cháy đen hay những con Koala xinh đẹp cầu cứu,… chính là hệ quả của nhiều nguyên nhân.
“Nếu xét về quy luật tự nhiên thì rừng nguyên sinh không bao giờ cháy trên diện rộng nhưng do con người đã có những tác động nhất định đến các khu rừng nguyên sinh...”, Minh Quân cho hay.
Nicholas Nguyễn bày tỏ: “Em đang rất lo cho mọi người và mọi loài tại Úc vì đây là nơi em sinh ra. Rừng cháy không hẳn là do họ, vì em biết chính quyền Úc quan tâm rất nhiều tới sinh thái trên đất nước và trên châu lục của họ. Tại sao việc lo cho rừng ở Úc cháy không phải là bổn phận của người Mỹ hay người Việt Nam? Rừng ở đâu thì cũng thuộc về Trái đất này, cũng là nhà mình...!
Bình luận (0)