Tủ không có người trông giữ, trong tủ là những bộ quần áo sạch sẽ, được xếp ngăn nắp, tươm tất. Người nghèo khó ai cần quần áo nào cứ tự ý đến chọn, có thể mặc thử xem có vừa vặn không một cách tự nhiên, nếu ưng bộ đồ nào thì có thể lấy bỏ vào túi ni lông mà vợ anh để sẵn trong tủ kiếng.
Anh chia sẻ, ngày đầu tiên có hơn 150 bộ đồ được vợ chồng anh trưng bày trong tủ. Ban đầu có vài bà con đi ngang nhà anh thấy trên tủ có dán tờ giấy A4 ghi dòng chữ "Tủ đồ từ thiện" mà không biết anh dùng để bán hay cho. Anh giải thích: "Những quần áo này, anh quyên góp của những người tương đối dư dả, không có nhu cầu xài đến nữa để chia sẻ cho bà con cô bác nào thật sự cần đến thì lấy một vài bộ mà xài, không buôn bán".
Hơn 10 ngày sau, tủ đồ từ thiện của anh Phong tiếp tục nhận thêm trên 150 bộ đồ của thầy cô giáo trong trường cũng như bà con trong xóm đến ủng hộ. Sau đó, có thời điểm tủ chứa trên 1.000 bộ. Ngày cuối tuần nhiều người ở trong TP.HCM, thông qua Facebook, Zalo biết nên trực tiếp gửi xe buýt hay chở xe gắn máy từng bao quần áo lên đến tận nhà anh gửi vào tủ đồ từ thiện để góp sức, chung tay cùng với anh giúp đỡ người nghèo.
Anh Phong tâm sự: "Tôi thử quan sát thì thấy, không chỉ người ở trong xã này đến đây lựa cho mình mà có cả người ở xã Phú Mỹ Hưng - địa phương giáp ranh với xã An Phú nữa. Còn có người nói họ ở bên cầu Bến Súc (Bình Dương) cách đây trên 7 - 8 cây số, họ đa phần là người nghèo, nào người bán vé số, người mua ve chai, người là công nhân cạo mủ cao su"…
Tủ đồ từ thiện của anh Phong cũng ngày càng phong phú hơn, có cả giày dép, mũ bảo hiểm… và có lần anh chia sẻ: "Tôi hy vọng được bà con gần xa tiếp tục tặng quần áo cũ và các vật dụng, như là cách ký gởi vào tủ đồ từ thiện, để san sẻ kịp thời cho những người nghèo rất có nhu cầu sử dụng". Theo anh Phong, "khi nào tôi cảm thấy nhu cầu sử dụng quần áo của bà con ở đây không còn nữa thì lựa ra chỉ để dành chừng 200 bộ trong tủ "phòng hờ" khi có người cần, số quần áo còn lại tôi liên hệ với chính quyền bên Dầu Tiếng (Bình Dương) rồi chở qua giúp bà con vì tôi biết ở bên đó còn có nhiều người nghèo, khó khăn, có người cất nhà trên ghe sống lênh đênh trên mặt nước sông hồ…".
Từ việc làm tủ từ thiện của mình mà anh Phong tự nhiên thích làm từ thiện hồi nào không hay. Đầu năm 2023, anh xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc mảnh vườn mới trồng cây ăn trái. Bản thân anh muốn cùng với vợ trực tiếp mang quà đến nơi xa xôi, chỗ bà con thật sự còn khó khăn để tặng mới có ý nghĩa.
Anh dành dụm được số tiền hơi khiêm tốn trích từ tiền trợ cấp nghỉ việc cùng tiền vợ anh tiết kiệm - bỏ ống từ công việc bán dụng cụ học tập, bánh, nước uống ở căn tin trường học, tổng cộng gần 20 triệu đồng, bắt đầu cho hoạt động từ thiện của mình. Mới đây anh Phong cùng với chị em trong gia đình trực tiếp mang 150 phần quà là nhu yếu phẩm gồm: gạo, bột ngọt, mì tôm, dầu ăn… cho đồng bào nghèo và 80 phần quà gồm ba lô, tập sách, bút mực cho trẻ em học sinh ở Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, nơi mấy năm trước xảy ra nạn ngập do lũ lụt.
Bình luận (0)