Trường “từ chối”, gia đình chuyển trẻ sang trường khác ?
Theo anh N.H.T (Hà Nội), con anh đến tuổi mầm non nhưng khi đăng ký đi học đúng tuyến thì bà Trần Bích Chi, Hiệu trưởng Trường mầm non Việt - Bun (P.Đồng Nhân, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều lần từ chối tiếp nhận với lý do nhà trường test và thấy cháu bị “bất thường về tâm lý”. Lo lắng, anh T. đưa con đến Viện Nhi T.Ư để khám. Bác sĩ kết luận con anh T. có biểu hiện rối loạn hành vi, nguyên nhân có thể do cháu được gia đình chiều chuộng quá. Bác sĩ khuyến cáo gia đình dừng việc cho bé tiếp tục dùng điện thoại và cho đi học ngay. Gia đình anh T. mang kết quả của bệnh viện quay lại trường Việt - Bun xin nhập học nhưng cả hiệu trưởng và hiệu phó đều kiên quyết từ chối.
Trả lời Thanh Niên, bà Trần Bích Chi giải thích: “Gia đình tự nguyện rút đơn chứ không phải nhà trường từ chối. Nhà trường vẫn giữ hồ sơ của bé, gia đình muốn bé học thì chúng tôi tiếp nhận, chúng tôi chưa bao giờ từ chối bé cả”.
Trường mầm non Việt - Bun |
NGỌC THẮNG |
Nói về lá đơn rút hồ sơ mà bà hiệu trưởng nhắc đến, anh T. cho biết: “Đúng là sau nhiều lần bị từ chối, gia đình có đến rút hồ sơ để xin học trường khác. Khi đó, cô hiệu trưởng có đưa cho một tờ giấy bắt ghi là gia đình tự nguyện rút hồ sơ. Nhưng thực tế là nhà trường đã 2 lần từ chối, nên gia đình buộc phải đưa con vào học trường khác”. Anh T. chia sẻ, nhờ có dư luận báo chí lên tiếng, nhà trường mới nói đồng ý tiếp nhận con vào học. Tuy nhiên, gia đình đã xin cho con vào học ở trường khác. Cháu cũng đang học rất tốt, tiếp thu nhanh các bài tập trên lớp, không giống như những gì cô hiệu trưởng, hiệu phó ở trường Việt - Bun nhận xét để từ chối cháu. “Vì phải cho cháu đi học ở xa nên vợ chồng tôi đang rất vất vả trong việc đưa đón đi học hằng ngày”, anh T. bức xúc cho biết thêm.
Mỗi trẻ em đều có một hoàn cảnh, tính cách khác nhau, nhà trường nên trao đổi với phụ huynh, tiếp xúc với trẻ, khảo sát phân lớp cho phù hợp chứ không được quyền chỉ lựa chọn nhận những em khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Bà Ninh Thị Hồng (nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN)
Tất cả trẻ em đều có quyền bình đẳng được đến trường
Đã có rất nhiều cha mẹ rơi vào hoàn cảnh giống anh T., khi chẳng may con bị coi là “chậm phát triển” và các cơ sở giáo dục công lập thì không rộng cửa đón nhận và có biện pháp giáo dục phù hợp với những trẻ này.
Một phụ huynh tại Hà Nội gần 20 năm đồng hành với con có chứng tăng động, giảm tập trung, chia sẻ với PV Thanh Niên: phải rơi vào hoàn cảnh có con “không bình thường về tâm lý” mới hiểu việc cho con học hòa nhập ở cơ sở công lập rất khó khăn.
Theo quy định, các trường công lập (từ mầm non đến THCS) đúng tuyến trên địa bàn phải tiếp nhận mọi trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, có trường thì “gợi ý khéo” về việc cho con đến viện điều trị hoặc cơ sở giáo dục chuyên biệt; có trường lại gây sức ép với phụ huynh kiểu như: ngày nào gia đình cũng nhận được những lời phàn nàn của giáo viên, của phụ huynh cùng lớp về việc con “quậy phá”, khó bảo, làm ảnh hưởng đến việc học tập, hoạt động của các bạn khác trong lớp… đến mức cha mẹ không đủ kiên nhẫn và buộc phải... “tự nguyện” xin chuyển trường cho con. “Tôi là một trong những trường hợp như vậy, phải tình nguyện xin cho con đến cơ sở chuyên biệt mặc dù rất muốn con được học hòa nhập với các bạn để con tiến bộ nhanh hơn. Trường đúng tuyến cách nhà vài bước chân, còn trường kia thì cả chục cây số, rất vất vả và tốn kém”, vị phụ huynh này chia sẻ.
Theo bà Ninh Thị Hồng, nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, trong 2 năm dịch Covid-19, nhiều trẻ em phải ở nhà quá lâu không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè bên ngoài. Sau khi mở lại trường mầm non, có nhiều em đến lớp, đến trường có thể hòa đồng ngay; nhưng có những em chậm hơn, rụt rè nhút nhát hơn các bạn khác.
Gập ghềnh đường học hòa nhập - Kỳ 2: Người lớn không nắm luật, học sinh chịu thiệt
Vì vậy, các trường mầm non cần phải tạo điều kiện tiếp nhận trẻ em đến độ tuổi đi học bởi tất cả trẻ em đều có quyền bình đẳng được đi học, được đến trường. Đặc biệt là những trường đúng tuyến không được quyền từ chối nhận học sinh có hộ khẩu trên địa bàn dân cư vì lý do “tâm lý bất thường”. Bà Hồng bày tỏ: “Mỗi trẻ em đều có một hoàn cảnh, tính cách khác nhau, nhà trường nên trao đổi với phụ huynh, tiếp xúc với trẻ, khảo sát phân lớp cho phù hợp chứ không được quyền chỉ lựa chọn nhận những em khỏe mạnh, nhanh nhẹn”.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục VN, cũng cho rằng: sau đại dịch, một thời gian dài trẻ phải ở nhà, việc giáo dục cũng thông qua màn hình, thiết bị điện tử khiến các em có cảm giác cô lập, xa cách, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý. Do vậy, sau dịch bệnh phải nhìn nhận một đứa trẻ với những ảnh hưởng của hậu Covid và môi trường giáo dục bình thường, hoạt động tập thể, giao tiếp trực tiếp và kết nối với bạn bè, thầy cô và xã hội là cách tốt nhất để trẻ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Tại tọa đàm về giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức trong tháng 4 vừa qua, đại diện UNICEF tại VN cho hay theo dữ liệu từ UNICEF mới đây, cứ 7 em trên toàn cầu thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa vì dịch bệnh. Hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Khi trẻ em không được tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, việc học, kỹ năng nhận thức và phát triển trí não cũng như các kỹ năng xã hội và làm việc có được thông qua quá trình tương tác và giao tiếp đều sẽ bị ảnh hưởng.
Sự quan tâm của Bộ GD-ĐT chưa tiếp cận được với trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi
Từ năm 1999, Bộ GD-ĐT đã thành lập ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, nhưng sự quan tâm của Bộ GD-ĐT mới chỉ chạm đến những trẻ khuyết tật về cơ thể, chưa tiếp cận được với trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi... Một số tỉnh thành đã đặt ra vấn đề “không được từ chối tiếp nhận học sinh khuyết tật” nhưng nhiều nơi trẻ tự kỷ bị từ chối nhận hoặc nhận nhưng phụ huynh phải cam kết cùng nhà trường rèn để con đạt tiêu chí học tập như trẻ bình thường khác, còn những vấn đề bất thường xảy ra nhà trường không chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến việc một số phụ huynh có con tự kỷ chưa dám cho con đến trường khi con ở độ tuổi tiểu học.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cũng chỉ ra rằng: “Hiện nay giáo dục hòa nhập trong trường công lập ở Hà Nội còn nhiều hạn chế về các mặt: thực hiện văn bản chính sách của nhà nước, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu phương tiện, thiết bị và học liệu dạy học. Về mặt chính sách, nước ta hiện nay có rất nhiều, nhưng chưa sát với thực tế. Chẳng hạn chính sách phổ cập giáo dục mới là tạo điều kiện cho học sinh trên địa bàn đúng độ tuổi được theo học, bao gồm cả học sinh khuyết tật, tuy nhiên về cơ sở vật chất, phương tiện chưa đáp ứng được, cán bộ quản lý chưa được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục đặc biệt… cũng là một khó khăn chưa được tháo gỡ”.
Bình luận (0)