Từ chối trưng cầu giám định, thứ trưởng hay bộ trưởng phải chịu trách nhiệm?

21/02/2020 16:00 GMT+7

Đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật phàn nàn nhiều trường hợp các bộ, ngành né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi được yêu cầu giám định tư pháp trong các vụ án tham nhũng, kinh tế .

Án tham nhũng chậm, kéo dài vì giám định

Tại tọa đàm việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 21.2, thượng tá Lê Đức Trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), cho hay kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, nhiều trường hợp không thể thiếu để C03 làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án. 
Dẫn vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), ông Trường cho hay, phải có sự tham gia của cả giám định viên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Xây dựng để giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thì mới xác định được ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN, đã chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định của pháp luật, tạm ứng trái quy định số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Trường cũng phàn nàn, nhiều trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định khi vụ án thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của cơ quan đó.
“Có vụ việc khi C03 trưng cầu giám định, cả Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đều từ chối giám định, dù vấn đề là về quản lý giá cước vận tải. Sau đó, phải có sức ép từ cơ quan tư pháp trung ương, Bộ trưởng Giao thông vận tải mới chấp nhận tái cử giám định việc thực hiện yêu cầu của C03. Việc này khiến cho vụ án “tắc” 21 tháng mới có được kết luận giám định”, ông Trường đơn cử.
Phó vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố - Kiểm sát án kinh tế (V03 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Đào Thịnh Cường, cũng cho biết qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế cho thấy, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng, thường là do công tác trưng cầu giám định.
Theo ông Cường,  từ 2013 - 2018, V03 có tổng cộng 46 vụ án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản, trong đó có 8 vụ thời gian giám định bị kéo dài.

Ra tòa không có ghế tựa, hỗ trợ chỉ 50.000 - 70.000 đồng/ngày

Các giám định viên đến từ các bộ, ngành có mặt tại cuộc họp cũng nêu nhiều vướng mắc trên cương vị thực thi nhiệm vụ của mình.
Theo giám định viên Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng, đa số các vụ án kinh tế lớn, giám định viên tài chính được trưng cầu giám định mới ở giai đoạn điều tra, xác minh, nhưng tại quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng thường đưa câu hỏi mang tính chung chung như: có vi phạm pháp luật không? Thiệt hại do vi phạm pháp luật?...
Bên cạnh đó, tài liệu mà giám định viên nhận được cũng không đáp ứng, thiếu nhiều nên vừa giám định vừa phải định hướng điều tra.

Ông Phạm Đức Hưng, giám định viên Bộ Tài chính

Ảnh Hải Ninh

Ngoài ra, theo ông Hưng, giám định viên thực hiện giám định là trách nhiệm cá nhân, dù giám định viên là công chức được cử thực hiện giám định là thực thi công vụ. “Điều này cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra tâm lý lo ngại, sợ rủi ro khi kết luận giám định của giám định viên tài chính, vì lĩnh vực tài chính rất phức tạp, gồm nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác nhau, khó tránh khỏi sai sót. Nếu còn vấn đề chưa rõ, cần tham khảo mà không được hỗ trợ”, ông Hưng nói.
Từ đó, giám định viên Bộ Tài chính đề xuất có cơ chế cho phép cơ quan cử giám định viên được quyền xem xét cử thêm người hỗ trợ giám định viên về mặt pháp lý tại phiên tòa. Bên cạnh đó, ông Hưng đề nghị có quy định về chỗ ngồi làm việc, trả lời của của giám định viên với tư cách thực thi công vụ tại toà.
Trong khi đó, một giám định viên đến từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn bày tỏ “tâm tư” khi giám định viên được triệu tập ra tòa phải ngồi ghế không có tựa, trong khi phải ngồi cả ngày 8 tiếng. “Ra toà được hỗ trợ 50.000 đến 70.000 đồng/ngày, trong khi gửi xe 2 lần tốn 10.000 đồng”, vị này cho hay.

Bộ, ngành từ chối giám định thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị: cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
“Đây là điều kiện tiên quyết, bởi đặc thù của giám định là chịu trách nhiệm rất độc lập về kết quả giám định. Nếu quy định rõ sẽ tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm”, ông Hiếu nói và đề nghị cần phải ghi rõ trong quyết định trưng cầu giám định.
Về vấn đề nhiều giám định viên nêu, ông Hiếu cũng cho rằng, trách nhiệm cần phải đi đôi với quyền hạn, vì nếu chỉ quy định trách nhiệm không thì không ai muốn làm công tác này.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương

Ảnh Hải Ninh

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thì đề xuất cần xác định rõ hơn, ràng buộc rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định. Theo đó, cơ quan trưng cầu giám định phải trưng cầu đúng, cung cấp đủ tài liệu.
“Anh được trưng cầu giám định né tránh, đùn đẩy, không cử giám định viên thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng anh trưng cầu giám định mà không đúng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Cái này phải rất công bằng”, ông Học nêu quan điểm.
Cũng theo ông Học, phải quy định rõ trường hợp bộ, ngành từ chối trưng cầu giám định thì trách nhiệm thuộc về ai, thứ trưởng hay bộ trưởng, nếu chung chung thì sẽ không ai chịu trách nhiệm.
Còn vị trí, vai trò của giám định viên trong phiên toà, theo ông Học, là do cách bố trí của toà án. “Nói giám định viên ra toà mà tài liệu phải kẹp vào đùi, ngồi ghế không có chỗ dựa, tôi nghĩ rằng ở một nền tư pháp của chúng ta không thể chấp nhận như thế được”, ông Học nói, và đề xuất trong điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của giám định viên thì nêu rõ “có quyền được bố trí chỗ ngồi ở phiên toà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.