Nằm tại tỉnh Mugla ở miền tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, di tích thị trấn Kayakoy có tầm nhìn đắc địa hướng ra biển Aegan xanh biếc, xung quanh là những con đường hẹp, dãy nhà chạy dọc hai bên thung lũng dốc, cùng một đài phun nước cổ ngay giữa thị trấn.
Chỉ hơn một thế kỷ trước, thị trấn Kayakoy, trước đây mang tên Levissi, là một nơi nhộn nhịp với ít nhất 10.000 tín đồ Chính thống giáo Hy Lạp, nhiều người trong số họ là thợ thủ công sống hòa bình cùng với những người nông dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi trong khu vực. Tuy nhiên, những biến động đã khiến cuộc sống giản dị tan biến và nơi này bị bỏ hoang, trở thành "thị trấn ma" đúng nghĩa, theo Đài CNN.
Cuộc chiến giữa Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1919 - 1922 đã khiến hai nước trục xuất người có quan hệ với nước còn lại. Điều này đồng nghĩa người Thổ Nhĩ Kỳ tại Kayakoy cũng bị buộc rời đi và chuyển đến sống ở Kavala, ngày nay thuộc vùng Macedonia và Thrace của Hy Lạp.
Những người Hồi giáo mới chuyển đến Kayakoy sau cuộc chiến được cho là không mấy mặn mà với nơi ở mới và sớm dọn đi, khiến thị trấn từ đó rơi vào quên lãng.
Thời kỳ đau buồn
Trong số ít người ở lại có ông bà của Aysun Ekiz. Gia đình bà Ekiz hiện điều hành một nhà hàng nhỏ gần lối vào chính của Kayakoy, nơi phục vụ đồ ăn nhẹ cho khách du lịch đến tham quan thị trấn. Những câu chuyện về những năm tháng khó khăn đã được truyền qua nhiều thế hệ nhà bà Ekiz.
“Ông bà tôi kể rằng người dân Hy Lạp đã khóc vì họ không muốn rời đi. Một số người để con cái họ cho người Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc, với suy nghĩ rằng họ có thể trở lại đây, song điều đó đã không xảy ra”, bà Ekiz nói.
Bà kể rằng thế hệ ông bà là người chăn cừu và dễ dàng thích nghi với cuộc sống ở rìa thị trấn, trong khi những người cùng quê lại không thích sống tại Kayakoy, phần nào vì họ không vừa mắt với những mảng tường ở đây được sơn màu xanh lam, được cho là để xua đuổi bọ cạp hoặc rắn. Những mảng màu xanh lam đó vẫn có thể được nhìn thấy trên một số bức tường còn sót lại của khoảng 2.500 ngôi nhà tạo nên thị trấn này.
Bà Jane Akatay, đồng tác giả của sách “A Guide to Kayakoy” (tạm dịch: Hướng dẫn về Kayakoy), cho biết một lý do khiến thị trấn bị bỏ hoang có lẽ là người dân vẫn mang nỗi buồn dai dẳng sau những sự kiện bi thảm của thập niên 1920. Ngoài ra, thiên tai như động đất, mưa bão cũng đã tác động đến khu vực này và góp phần biến nơi đây thành “thị trấn ma”.
Ngày nay, du khách phải trả một khoản phí 3 euro để tham quan Kayakoy. Đôi khi nơi đây đón những đoàn khách du lịch vào mùa cao điểm. Vào mùa hè, du khách có thể chứng kiến bầu trời trong xanh và ánh nắng chói chang. Đến những mùa lạnh hơn, khách có thể đắm mình trong sương mù từ vùng núi hoặc biển.
Tham quan Kayakoy, ông Yigit Ulas Oztimur, du khách đến từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả thị trấn này "như một tấm gương phản chiếu quá khứ tăm tối". "Nơi đây từng là thị trấn theo Kitô giáo, giờ đây những gì chúng ta chứng kiến là sự phản ánh cay đắng về thực tế đã xảy ra", ông nói.
Một số ngôi nhà có xây hố ở tầng hầm, được dùng để thuộc da, do nghề đóng giày từng phổ biến ở đây. Nhiều ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn các bể chứa nước. Đây là một thiết kế rất quan trọng để tích trữ nước do nơi đây không có đường ống nước. Điểm chú ý là những ngôi nhà được xây dựng với khoảng cách được tính toán tỉ mỉ, sao cho không nhà nào che lấp ánh sáng mặt trời của ngôi nhà khác.
Bà Ekiz nói rằng người dân nơi đây từng phải dùng mảnh quần áo cũ được cắt nhỏ để thay giấy vệ sinh, sau đó đem đốt chúng để làm nhiên liệu hoặc phân bón.
Bà nói thêm dù có lối sống tiết kiệm đến mức không hợp vệ sinh như vậy, Kayakoy từng là một thị trấn thịnh vượng và là trung tâm thương mại chính của khu vực. Nơi đây từng sầm uất hơn cảng Fethiye gần đó - nay đã trở thành đô thị phát triển và địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)