Tự chủ đại học có đang lạc hướng?

13/09/2022 07:24 GMT+7

Nghị quyết 77/NQ-CP có công mở ra một trang mới cho giáo dụcđại học khi bắt đầu cho phép một số trường được thực hiện thí điểm tự chủ. Nhưng điều kiện đặt ra trong nghị quyết đã khiến cho “con tàu tự chủ” đi lạc hướng.

Tự chủ = tự lo

Theo Bộ GD-ĐT, chủ trương, đường lối và chính sách giao quyền tự chủ cho ĐH đã được Đảng và Nhà nước bắt đầu từ khá sớm. Nhưng phải đến năm 2015, sau khi Thủ tướng ban hành Nghị quyết (NQ) 77/NQ-CP (ban hành ngày 24.10.2014) thì mới bắt đầu có những cơ sở ĐH đầu tiên được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, còn gọi là thí điểm tự chủ.

Các trường đại học tự chủ được tự quyết định mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa cao hơn mức trần học phí do nhà nước quy định

ĐÀO NGỌC THẠCH

Căn cứ vào NQ77, đến hết năm 2017, có 23 trường công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cho phép thí điểm cơ chế tự chủ, cam kết tự bảo đảm kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về: đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí (HP) đối với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm. Sau đó, Chính phủ cho phép 23 trường này được kéo dài thí điểm sau giai đoạn 2014 - 2017, cho tới khi có nghị định mới của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH (GDĐH) công lập.

Giờ học của sinh viên một trường đại học tự chủ tài chính ngay từ những ngày đầu tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với hướng tiếp cận trên, việc thí điểm được thực hiện đối với một số ít cơ sở GDĐH có năng lực và tình hình tài chính tốt. Ban đầu, chỉ có 5 trường ĐH được lựa chọn thí điểm để tự chủ tài chính, theo đó, các trường có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định của nhà nước, nhưng yêu cầu đưa ra là phải tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên. Cả 5 trường đều thiên về đào tạo các khối ngành dễ tuyển sinh mà đòi hỏi đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất không cao (so với các ngành kỹ thuật, công nghệ) như kinh doanh, kinh tế, luật, ngôn ngữ… 5 trường ĐH gồm: Kinh tế TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân, Hà Nội, Tài chính - Marketing.

NQ77 cho phép các trường được tự quyết định mức thu HP bình quân (của chương trình đại trà) tối đa cao hơn mức trần HP do nhà nước quy định. Mức cao hơn này bằng khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên (SV) công lập trong cả nước (nghĩa là thay vì nhà nước cấp khoản này thì SV đóng bù vào cho các trường - PV). Các trường được quyết định mức HP cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức HP bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức HP bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức HP bình quân tối đa nêu trên.

Theo nhận xét của nhóm nghiên cứu của PGS Bùi Anh Tuấn (Trường ĐH Ngoại thương), quá trình tự chủ ĐH là một quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa tìm kiếm mô hình phù hợp, nên một số chính sách ban đầu có liên quan tới tự chủ ĐH có tính dẫn dắt, có vai trò định hướng cao cho các cơ sở GDĐH.

Trên thực tế, khi các trường đối mặt với đòi hỏi “tự chủ” thì đều xác định tinh thần là phải “tự lo”.

GS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp VN, cho rằng quy định của NQ77 mà để muốn tự chủ, trường ĐH phải đánh đổi, tức là phải “hy sinh” kinh phí cấp phát để lấy quyền tự quyết về một số lĩnh vực. Để được tự chủ ĐH, trường ĐH phải chấp nhận “tự lo”, “tự túc”.

Tự chủ đồng nghĩa với học phí tăng: Bức tranh phiến diện

Theo một số nhà quản lý của các trường ĐH, thành công về tài chính của những trường đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án tự chủ theo NQ77 là “động lực” để nhiều trường ĐH khác quyết tâm xây dựng đề án tự chủ, đồng thời củng cố niềm tin cho các cơ quan chức năng về tính đúng đắn của chủ trương giao cho các trường “tự lo” khoản kinh phí.

Gần đây, khi tổng kết về việc triển khai mô hình tự chủ kể từ khi thực hiện NQ77 đến nay, Bộ đã nêu nhiều thành tựu mà nền GDĐH đạt được, nhờ tự chủ. Một trong những tiến bộ được Bộ nhấn mạnh là năng lực tài chính của trường ĐH được nâng cao, mà minh chứng tiêu biểu là thu nhập của giảng viên (GV), cán bộ các trường ĐH đã tự chủ có sự phát triển vượt trội. Cụ thể, thu nhập bình quân của GV và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với GV và 18,7% đối với cán bộ quản lý.

Với riêng 23 trường thí điểm tự chủ theo NQ77 (tức là tự chủ sớm) thì mức tăng còn cao hơn: trong giai đoạn 2018 - 2021, thu nhập GV tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, một trong những đơn vị dẫn đầu về thu nhập của GV hiện nay là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đơn vị đầu tiên được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ (tháng 12.2014). Năm 2021, thu nhập bình quân của GV trường này là 485 triệu đồng/năm (của cán bộ là 468 triệu đồng/năm).

Tiếp theo là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường thứ 3 được phê duyệt đề án tự chủ (tháng 3.2015) với mức thu nhập bình quân mỗi GV là 476 triệu đồng/năm (cán bộ là 397 triệu đồng/năm).

Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuy được phê duyệt đề án tự chủ khá sớm (tháng 1.2015) nhưng thu nhập GV không quá cao, chỉ 254 triệu đồng/năm; nhưng bù lại, thu nhập cán bộ của trường này là cao nhất trong hệ thống GDĐH công lập, 630 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Tài chính - Marketing được phê duyệt tự chủ từ tháng 3.2015 có thu nhập bình quân của GV là 417 triệu đồng/năm (cán bộ là 263 triệu đồng/năm).

Trong số 5 trường đầu tiên được thí điểm tự chủ, chỉ có Trường ĐH Hà Nội là đơn vị mà thu nhập bình quân của GV, cán bộ đều ở mức thấp (GV 123,7 triệu đồng/năm; cán bộ 117 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên, năng lực tài chính này được nâng cao nhờ đâu thì Bộ không phân tích, mà chỉ đưa ra một nhận định rất “súc tích”: “… chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn HP”. Hoặc khi nói về khó khăn của các trường, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng gián tiếp xác nhận nguồn gốc của nguồn thu thông qua nhận định về giải pháp chủ yếu mà các trường thực hiện khi bị cắt giảm kinh phí là “buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng HP”.

Học phí cao: Động lực các trường tiến đến tự chủ?

Trên thực tế, việc được phê duyệt đề án tự chủ là cơ hội lớn nhất để tăng nguồn thu với phần lớn các trường ĐH. Cho đến nay, việc thu HP của các trường ĐH chưa tự chủ đều phải thực hiện theo khung mà Chính phủ quy định.

Thời điểm 2014 - 2015, các trường ĐH phải thu HP theo Nghị định 49 (Chính phủ ban hành năm 2010), với khung HP rất thấp, từ 5,5 - 8 triệu đồng/SV/năm (tùy ngành). Trong khi đó, nhờ được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ mà một số trường được phép có bước “đại nhảy vọt” về mức thu HP. Ví dụ, năm học 2015 - 2016, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được phép thu HP với khóa mới là 14,5 triệu đồng/năm học/SV, năm tiếp theo là 16,5 triệu đồng/năm học/SV. Hoặc Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng được thu 16 triệu đồng/năm học/SV trong năm học 2015 - 2016; năm tiếp theo thu 17,2 triệu đồng.

Hiện nay, các trường ĐH công lập sẽ thu HP theo Nghị định 81. Theo đó, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần HP đối với cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (còn gọi là trường chưa tự chủ) được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng. Với các trường tự chủ mức tự bảo đảm chi thường xuyên, mức HP được phép thu tối đa bằng 2 lần mức trần HP các trường chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Còn với các trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức HP được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần HP các trường chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Như vậy, được thu HP cao tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn, tạo động lực cho các trường chưa tự chủ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tự chủ.

Giảng viên có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm tăng sau tự chủ

Năm 2018 tỷ lệ GV thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%. Tỷ lệ GV thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021.

GV có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng/năm trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018 - 2021). Như vậy năm 2021, khoảng 1/3 GV các trường tự chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; cứ khoảng 100 GV thì 6 GV có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.