Nhận thức này là vướng mắc trong quá trình đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ được bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chỉ ra tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.
Hội thảo do Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 21.4.2023.
Theo nhiều đại biểu, tự chủ đại học không đồng nghĩa với “tự do”, “tự lo” hay chỉ đơn thuần là “tự chủ về tài chính”. Chính sự nhầm lẫn này từ trước đến nay đã dẫn tới cách tiếp cận và vận dụng mô hình tự chủ đại học không thống nhất và thiếu hiệu quả.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cần nhìn nhận tự chủ đại học một cách toàn diện trên 3 cơ sở: tự chủ về học thuật, tự chủ về bộ máy quản lý và nhân sự và cuối cùng là tự chủ về tài chính.
Trong đó, yếu tố tài chính được nhấn mạnh bởi đây là bài toán lớn với các trường đại học theo mô hình tự chủ ở Việt Nam.
Hiện nay, 77% nguồn thu của nhà trường đến từ học phí của người học và tỷ trọng ngân sách chi tiêu công phân bổ cho cho giáo dục cao đẳng, đại học thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và các quốc gia tương đương.
Giải pháp được ông Christophe Lemiere, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt ra là tăng ngân sách của nhà nước cho giáo dục đại học và huy động nguồn lực từ khối tư nhân.
Bình luận (0)