Tự chủ đại học không phải buông lỏng quản lý

05/09/2018 04:55 GMT+7

Tự chủ đại học, mô hình phát triển của Đại học Quốc gia là những nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo trong buổi làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM vào chiều 4.9 của đoàn công tác Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu.

Chủ tịch Quốc hội (QH) cho rằng tự chủ là đặc tính tất yếu của đại học (ĐH). Tự chủ cần hành lang pháp lý chứ không phải buông bỏ pháp lý, không phải tự chủ tài chính là nhà nước không đầu tư mà là tăng tính tự chủ, tăng nguồn thu bằng cách tăng chất lượng thu hút sinh viên.
Nói riêng về nguồn lực tài chính, bà Ngân nêu ví dụ kinh nghiệm từ nhiều nước rằng nguồn lực quan trọng nhưng thiếu cơ chế quản trị phù hợp thì không thể phát huy. Hiện tại nguồn lực tài chính của VN đang đổ cho du học ngoài nước rất lớn. Vì vậy nguồn lực tài chính có nguồn nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Ba nguồn lực này sẽ tạo nguồn lực cho tự chủ tài chính của ĐH.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, để tạo ra một cơ sở tự chủ cần có khuôn khổ pháp lý. Trong thực tế có nhiều tổ chức kinh tế sẵn sàng đầu tư cho giáo dục ĐH. Không thể nói đầu tư mà không đặt ra mục tiêu lợi nhuận nhưng vấn đề là sử dụng như thế nào. “Vai trò của nhà nước là xác lập những nguyên tắc đúng đắn phù hợp và kiểm soát các trường thực hiện các nguyên tắc đó. Phải tôn trọng những sáng kiến, sáng tạo của trường ĐH. Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để ĐH không tự chủ cần thiết thì hoạt động sẽ hết sức khó khăn, dù nhà nước có đầu tư bao nhiêu thì cũng không đáp ứng được yêu cầu xã hội”, bà Ngân nói.
Liên quan tự chủ ĐH, bà Ngân nói: “Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường ĐH đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý. Tự chủ ĐH hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý mà phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn. Việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH hiện nay mà QH đang triển khai nhằm phục vụ mục đích này”.
Bà Ngân cho rằng: “Xây dựng hệ thống tài chính ĐH quốc gia (QG) từ nhiều nguồn nhưng phải đảm bảo minh bạch. ĐHQG thì ngay từ tên gọi đã phải là công lập, dù có giao tự chủ và tạo cơ chế huy động thêm nguồn lực khác thì vẫn là trường công lập. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư phát triển chuyên môn và cơ sở vật chất”.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, kiến nghị giữ lại nguyên cụm từ “ĐHQG” với mô hình ĐH công lập thực hiện nhiệm vụ quốc gia. “Đảm bảo giữ nguyên tên gọi và tổ chức hoạt động của ĐHQG vì đã thành thương hiệu, từng bước được biết đến rộng rãi trong nước và thế giới, tránh gây ra xáo trộn phức tạp không cần thiết”, ông Đạt nói.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình ĐHQG, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “QH chưa có ý kiến nào về việc bỏ hay hạ thấp vị thế của ĐHQG. QH chỉ đang bàn phát triển giáo dục trong đó có giáo dục ĐH, chúng ta chỉ làm cho vị thế ĐH này cao hơn chứ không được quyền hạ thấp”.
Đề xuất thêm 1.000 tỉ đồng hoàn thiện giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của ĐHQG TP.HCM, hiện dự án xây dựng khu đô thị ĐH này còn vướng hơn 15% diện tích đất do chế độ chính sách bồi thường chưa được giải quyết. Ngoài số tiền đầu tư để hoàn thiện các mục còn lại của dự án trên 7.360 tỉ đồng, ĐH này đề xuất thêm 1.000 tỉ đồng để hoàn thiện giải phóng mặt bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.