Không ai phản đối tiến trình tự chủ ĐH vì nền giáo dục thế giới đều hướng tới sự tự chủ này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tiến trình tự chủ ĐH lại phát sinh nhiều vấn đề và cần phải có lộ trình cụ thể.
Hai lĩnh vực quan trọng nhất
Hiện có hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với nhân dân: y tế và giáo dục. Những quốc gia phát triển có cách tiếp cận và áp dụng chính sách khác nhau đối với hai lĩnh vực này. Có tự chủ giáo dục, nhưng cũng phải có bao cấp giáo dục, mà sự bao cấp này lấy từ ngân sách nhà nước. Không phải cứ bao cấp là không tốt, vì tùy từng lĩnh vực mà có quyết định bao cấp hay không. Chẳng hạn, Cuba bao cấp toàn bộ giáo dục và y tế. Còn những nước Bắc Âu hay Đức bao cấp hơn một nửa.
Bao cấp y tế và giáo dục cũng chính là "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà Việt Nam luôn khẳng định là mục tiêu.
Hai lĩnh vực y tế và giáo dục vốn tác động nhiều nhất tới cuộc sống của nhân dân. Do đó, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện rõ nhất, nhiều nhất, ưu tiên nhất, cụ thể nhất ở hai lĩnh vực này.
Nhân dân chỉ cần nhìn vào y tế và giáo dục là thấy ngay sự quan tâm của nhà nước. Dù Cuba là nước XHCN bị Mỹ cấm vận nhiều năm qua và nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn, nhưng người dân nước này vẫn được thụ hưởng nền giáo dục và y tế miễn phí. Trẻ em Cuba không phải đóng học phí, người bệnh được chữa trị không phải mất tiền. Chưa kể, nền y tế Cuba phát triển với nhiều thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng.
Vấn đề được đặt ra là vì sao trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Cuba vẫn là quốc gia có những thành tựu vượt trội về y tế và giáo dục, được cả thế giới ghi nhận và khâm phục ? Vì nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
'Thách thức về niềm tin'
Giáo dục ĐH ở Việt Nam phải đối mặt những "thách thức về niềm tin", không chỉ đối với thầy cô giáo, mà còn với đại đa số nhân dân. Con em nhiều gia đình giờ đây trúng tuyển vào ĐH nhưng học phí cao so với thu nhập của đại đa số, trong khi nhà trường loay hoay xin tăng học phí vì trường ĐH ở Việt Nam phải "tự chủ kinh tài", nhưng vẫn không đủ để tổ chức nghiên cứu trong nhà trường, không đủ để nâng cấp thực sự trình độ của giảng viên.
Bên cạnh đó, nâng cấp thực sự không đồng nghĩa với "nâng cấp bằng cấp", mà phải nâng cấp thực chất trình độ chuyên môn của cán bộ giảng dạy, chứ không phải tìm cách đăng tải nhiều bài được gọi là "nghiên cứu khoa học" trên một số tạp chí nước ngoài, trong đó có nhiều tạp chí "dỏm" chỉ đóng tiền là được đăng.
Vì thế, muốn lấy lại niềm tin của nhân dân, thầy cô giáo, giảng viên ĐH, thì cách tốt nhất là nhà nước phải có chương trình mục tiêu giáo dục rõ ràng, yêu cầu nhà trường tự chủ phần nào, và nhà nước "bao cấp", tài trợ phần nào. Nhà nước phải có chế độ phân cấp đóng học phí, người khá giả và người giàu đóng ở mức nào, người nghèo người khó khăn đóng ở mức nào, không đánh đồng như nhau ở mức học phí.
Ngoài ra, nhà nước cần vận động tầng lớp tỉ phú, triệu phú USD ủng hộ tiền cho những chương trình nghiên cứu có hiệu quả cao ở các trường ĐH để nhà trường có kinh phí nghiên cứu, giúp cán bộ nghiên cứu toàn tâm toàn lực nghiên cứu những đề tài phục vụ giáo dục ở đẳng cấp cao hơn.
Bình luận (0)