Trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa hồi giữa tháng 5.2015, nhiều người trong đoàn Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2015 đã không cầm được nước mắt.
Chiến sĩ Võ Trường Phú canh gác bên cột mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức khi đoàn hành trình vừa hoàn thành chuyến thăm, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin. Sau khi chia tay đảo, tất cả các thành viên của đoàn hành trình đều có mặt trên boong tàu 996, tạm gác lại những háo hức, những tiếng cười, lời ca khi được đặt chân lên đảo, để rồi cùng lặng người trong giờ phút trang nghiêm, thành kính. Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, xúc động đọc lời tưởng niệm: “Trong giờ phút thiêng liêng này, với lòng thành kính và tiếc thương vô hạn, đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc…”.
Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày 14.3.1988, 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi, biến mình thành những cột mốc thiêng liêng, khẳng định chủ quyền của đất nước. Sự hi sinh của các chiến sĩ vẫn khắc sâu trong lòng các thế hệ người Việt. Những người tham gia buổi lễ tưởng niệm diễn ra giữa biển trời Trường Sa đã không cầm lòng được. Ai cũng rưng rưng khi thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, nhiều lần đưa tay chặn dòng nước mắt.
Tôi đã nhiều lần tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa, được Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tổ chức hằng năm tại Nha Trang, nhưng lần này đặc biệt hơn, bởi tại nơi diễn ra lễ tưởng niệm, có thể phóng tầm mắt nhìn về Gạc Ma. Nơi đó, Trung Quốc đang cấp tập các hoạt động xây dựng trái phép. Bằng mắt thường, chúng tôi có thể nhìn thấy công trình Trung Quốc xây dựng đều được sơn màu trắng, nổi bật trên nền biển xanh. Đó như một gái gai trong mắt chúng ta!
Cuối buổi lễ tưởng niệm, nhang khói, hoa đăng cùng với hoa tươi, hạc giấy được thả xuống biển thay cho lời tri ân của những người đang sống hôm nay đối với những chiến sĩ đã quên mình vì Tổ quốc.
Tàu 996 tiếp tục hành trình. Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương vẫn đứng trên boong nhìn về đảo Cô Lin, rồi lại hướng mắt xa xăm về phía Gạc Ma, mặc kệ nước mắt lăn trên má. Trang nhẹ nhàng thả những cánh hoa còn lại xuống biển, rồi nhìn tôi nói: “Hoa, hạc giấy theo hướng nào thì các anh đang ở đó. Cũng có thể các anh đang ở rất gần chúng ta. Bạn có tin không?”.
Tôi nhìn theo những cánh hoa, những con hạc giấy được các bạn trẻ của đoàn hành trình gấp từ đêm hôm trước, giờ đang nhẹ nhàng trôi giữa biển trời Trường Sa.
Im lặng một hồi, tôi hỏi: “Rời Cô Lin, Trang nhớ nhất điều gì ?”. Trang nói: “Võ Trường Phú, cùng quê Bình Dương, đứng gác ở cột mốc chủ quyền. Khi lên đảo, các bạn trẻ trong đoàn hành trình hát cho Phú nghe bài “Quê hương mình Bình Dương”.
Phú cũng đáp lại bằng một ca khúc có lời mộc mạc nhưng tình cảm. Phú cất tiếng hát, tay vẫn cầm súng hiên ngang. Mọi người đứng bên Phú đều khóc, nhưng chiến sĩ trẻ lại cười tươi, trên khuôn mặt đen nhẻm đầy vẻ tự hào…”.
Tôi nhớ lại lời anh Trần Văn Hùng, cựu binh Lữ đoàn 146, thương binh 2/4, trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được tổ chức tại Nha Trang mới đây, nhắn nhủ: “Chúng tôi muốn giữ mãi ngọn lửa yêu nước, yêu Trường Sa để mọi người không quên rằng, ở nơi đó, luôn có mặt những người lính giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của đất mẹ”.
Bình luận (0)