Từ cuộc thi khởi nghiệp, sản phẩm của sinh viên trường nghề được xuất khẩu sang Mỹ

24/06/2022 11:49 GMT+7

Máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động là một sản phẩm từng đoạt giải nhất kỳ thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, đã được xuất khẩu sang Mỹ. Nhiều sản phẩm khác được ứng dụng vào thực tế.

Sáng 24.6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức lễ phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2022 tại Trường CĐ Lý Tự Trọng - đơn vị đăng cai tổ chức.

Đây là năm thứ 3 cuộc thi này được phát động, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động và truyền cảm hứng kinh doanh khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng bên sản phẩm đạt giải nhất là máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động

MỸ QUYÊN

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Qua 2 năm tổ chức, cuộc thi nhận được 2.818 ý tưởng, dự án tham gia, trong đó có 105 dự án vào vòng chung kết và đã có 73 dự án đoạt giải. Thông qua cuộc thi, nhiều sản phẩm đã được thử nghiệm và ứng dụng trong thực tế thành công. Chẳng hạn sản phẩm máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động đạt giải nhất năm 2020 đã được xuất khẩu sang Mỹ, hay dự án thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình, làng nghề truyền thống… đã đi vào hoạt động”.

Với sản phẩm máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động, nhóm sinh viên gồm Đỗ Minh Hoàng, Võ Minh Trung, Thái Hồ Nhân, Nguyễn Hoàng Sơn và Nguyễn Nhật Hưng Thịnh (khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM) đã giành giải nhất năm 2020. Máy này được đưa vào thử nghiệm đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang trong giai đoạn căng thẳng nhất. Nhờ vào tính năng đo thân nhiệt chỉ trong vòng 1 giây ở khoảng cách 30-50 cm (trong khi các máy khác khoảng cách 2-10 cm), nhóm đã được nhiều đơn vị đặt hàng, đặc biệt đã xuất khẩu sang Mỹ gần 100 máy.

Trong khi đó, sản phẩm “Gậy thông minh” của nhóm Nguyễn Hồng Phúc, Phạm Hồng Đồng, Vi Đình Khánh (Trường CĐ Việt - Đức Nghệ An) giành giải nhất cuộc thi năm 2021, được đánh giá là rất sáng tạo và có tính ứng dụng cao. Gậy này có chức năng cảm biến vật cản với khoảng cách từ 0,5-2 m, được thiết kế hệ thống định vị GPS có thể quản lý vị trí người dùng từ xa, phần thân gậy có đèn led chiếu sáng, chân gậy được thiết kế để đảm bảo phù hợp cho người cao tuổi, người khuyết tật...

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, nhìn nhận: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy học sinh, sinh viên trường nghề sáng tạo khởi nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế đất nước, giải quyết việc làm. Qua 2 lần thi, các em đã được truyền cảm hứng và hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm, dự án có giá trị đối với cuộc sống”.

Startup Kite 2022 được tổ chức thành 3 vòng thi: sơ tuyển, bán kết và chung kết. Vòng sơ tuyển diễn ra từ tháng 5 đến hết ngày 31.8. Vòng bán kết từ 1.9-31.10 tổ chức thi trực tuyến gồm thuyết trình và phản biện để chọn ra ý tưởng, dự án xuất sắc vào vòng chung kết.

Tại vòng chung kết, thí sinh sẽ thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống vào tháng 11, hình thức thi trực tiếp tại TP.HCM.

5 nhóm tiêu chí của Startup Kite năm nay gồm: tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi khởi nghiệp này gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Ngoài bằng khen, cúp khởi nghiệp và tiền thưởng của Bộ LĐ-TB-XH, các dự án đoạt giải có cơ hội được nhận hỗ trợ từ các nhà đầu tư để triển khai sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.