Tự cứu mình trước

12/12/2015 06:36 GMT+7

Chuyện nào, lĩnh vực nào có thể không biết, nhưng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm , chả có ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình.

Chuyện nào, lĩnh vực nào có thể không biết, nhưng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chả có ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình.

Đừng đợi đến khi lăn đùng ra bởi ngộ độc thực phẩm, hoặc sau siêu âm xét nghiệm biết mình bị ung thư mà căn nguyên là đồ ăn thức uống độc hại, mới hối hận, rút kinh nghiệm thì đã muộn.
Ông hàng xóm nhà tôi cứ lâu lâu lại giở chuyện cũ, cũng là dạng tiếc rẻ quá khứ, vừa để răn đe con cháu cẩn thận miếng ăn hớp uống. Chuyện rằng ngày xưa, gọi là xưa chứ vài chục năm trước chứ mấy, miếng thịt, con cá con tôm, hạt gạo, cọng rau lành lắm, ăn vào không chỉ ngon mà đáng nói nhất, rất yên tâm, chả lo lắng gì. Người tiêu dùng không mất nhiều công chọn lựa chất lượng hàng hóa trước khi mua, nghĩ ngợi lo lắng cho sức khỏe sau khi dùng. Có nhiều tiền thì ăn miếng ngon, ít tiền ăn kém hơn, tuy nhiên đều không phải lo sự độc hại. Không tràn lan sơn hào hải vị, hàng hóa phong phú như bây giờ nhưng rất ít khi nghe nói về ngộ độc thực phẩm, còn ung thư “là của hiếm”.
Bây giờ, trước mê hồn trận lương thực thực phẩm bị nhiễm độc, đừng ỷ vào các biện pháp xử lý của công quyền, mỗi gia đình, cá nhân chúng ta hãy tự cứu mình trước. Nhà nước không thể chỉ dẫn từng bát cơm chén canh phải như thế nào, việc ấy ta tự lo thôi. Đành rằng là khó, thậm chí rất khó bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thu nhập khác nhau, điều kiện sống khác nhau, nên không có mẫu số chung cho việc dựng chiến lũy trước thực phẩm độc hại. Người xưa dạy con cháu “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh vào từ miệng), ý nhắc nhở luôn phải cẩn trọng trước miếng ăn. Bây giờ, đủ mọi phương tiện truyền thông hằng ngày ra rả rót vào tai vào mắt vào óc ta những thông tin về thực phẩm độc hại, vấn đề còn lại là chính ta sẽ xử lý thông tin ấy như thế nào.
Phải mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, thậm chí từ bỏ thói quen bấy lâu. Rau củ, thịt cá bị bày bán mất vệ sinh ở lề đường lề chợ, giá rẻ hơn chỗ khác thì cũng rẻ sự an toàn. Bánh trung thu “mua 1 tặng 2” đã quá rằm nửa tháng vẫn còn người bán người mua. Hàng quán lề đường cái tô cái bát chỉ rửa qua loa trong chậu nước bị dùng không biết bao nhiêu lần, có đáng ăn để rước bệnh vào người không? Bánh mì, thịt quay phơi nắng phơi mưa hứng bụi hứng khói xe mà cũng tặc lưỡi rước về hay sao? Hàng trăm thứ đồ ăn vặt cổng trường cực kỳ mất vệ sinh, bạn đã bao giờ nhắc nhở con cháu mình nói “không” với chúng? Lòng lợn tiết canh, gỏi cá, đồ nướng, đồ chiên dầu mỡ thơm nức, tinh những món khoái khẩu, bạn đã bao giờ chịu nghe lời bác sĩ mà xua tay? Hộp xốp đựng thức ăn, nhất là thức ăn nóng, là kẻ đồng hành với ung thư, sao vẫn dễ dàng để cho người bán dùng nó chứa đồ ăn cho bạn…
Những chuyện lớn, ví dụ ngăn cấm người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc; kiểm tra các bếp ăn tập thể; quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; xử phạt những cố ý vi phạm của nhà sản xuất hoặc buôn bán… là việc của cơ quan công quyền. Còn những chuyện nhỏ như ở trên là việc của chính bạn. Ta vì ta chứ chả phải vì ai khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.