Có hàng loạt
nguyên nhân khách quan nhưng
không thể phủ nhận đa số chúng
ta vẫn hết sức "hồn nhiên" để lộ thông tin cá nhân ở mọi nơi, mọi chỗ.
Rất nhiều người đã và đang điền tất tật thông tin cá nhân để tham gia các trò chơi, các chương trình dự đoán trúng thưởng trên mạng; khi đi mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại. Chúng ta cũng sẵn sàng gửi lại CMND, bằng lái xe... cho bảo vệ ở các cơ quan, doanh nghiệp khi đến làm việc trong khi yêu cầu chỉ là xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra. Rồi sử dụng điện thoại thông minh chụp giấy tờ cá nhân gửi cho nhân viên bán tour, bán vé máy bay, vé tàu; đưa thẻ ngân hàng cho nhân viên nhà hàng, khách sạn... mang tới máy POS cà để thanh toán hóa đơn thay vì mang đến tận nơi và chờ lấy lại thẻ... Đó chỉ là một trong số những lỗ hổng khiến các thông tin cá nhân dễ dàng bị đánh cắp và bị kẻ xấu lợi dụng.
Hầu hết chúng ta vẫn sửng sốt và bực bội khi bị quấy rối bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tổng đài rác và không hiểu từ đâu các công ty bảo hiểm, công ty bất động sản, công ty tư vấn du học cho đến người bán mật ong lại có số điện thoại của mình. Nhưng nếu tự kiểm điểm lại 1.001 kiểu hồn nhiên cung cấp thông tin cá nhân như kể trên, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được nguồn cơn của việc này. Tất nhiên, việc một số đơn vị lấy danh sách khách hàng để bán ra bên ngoài là vi phạm, nhưng phải thừa nhận ý thức bảo mật thông tin cá nhân của đa số người Việt là chưa cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất tiền, bị lừa đảo, gây hiểu lầm, thậm chí là nguy cơ bắt cóc, tống tiền.
Cuối năm 2017, từ vụ rò rỉ thông tin cá nhân hành khách đi máy bay, đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan phải xác minh việc mua bán thông tin. Cục Hàng không sau đó vào cuộc và tình trạng này đã giảm đi. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều công ty ngày ngày quấy rối bằng tin nhắn rác, cuộc gọi rác... Từ đâu họ có số điện thoại của nhiều người, những danh sách khách hàng lớn... vẫn chưa được làm rõ; việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng cũng vẫn sôi động với đủ thể loại. Nếu không giải quyết, hậu quả là rất khó lường.
Bảo mật hiện đã trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh giữa các nhà băng, các doanh nghiệp; các vụ mua bán thông tin cá nhân rồi cũng sẽ phải điều tra, xử lý. Nhưng trước hết, mỗi chúng ta cũng phải tự nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân của mình. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình khỏi những phiền toái, rủi ro và thậm chí những mất mát cả về vật chất, tinh thần như đã từng xảy ra lâu nay.
Bình luận (0)