Tứ đại danh trà Trung Quốc dùng chiêu đãi nguyên thủ quốc gia có gì đặc biệt?

01/11/2022 22:22 GMT+7

Trung Quốc có nhiều loại trà ngon, trong đó 4 loại trà thượng hạng thường được dùng trong các tiệc trà đặc biệt chiêu đãi lãnh đạo các quốc gia là Trà Đại hồng bào, Kỳ đơn, Thủy tiên và Nhục quế.

Đầu tiên, trà Đại hồng bào (大红袍) là loại Vũ Di nham trà, tức loại trà đá trồng ở dãy núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đại hồng bào có hương thơm hoa lan độc đáo và dư vị ngọt ngào kéo dài. Lá trà khô có hình dạng giống như những sợi dây thừng thắt chặt hoặc hơi xoắn, màu xanh và nâu. Khi pha, nước trà có màu vàng cam, sáng và trong. Có thể giữ được hương vị của loại trà này trong chín lần ngâm. Đại hồng bào là loại trà cực kỳ đắt đỏ.

Cây mẹ Đại hồng bào rất quý hiếm. Phần lớn Đại hồng bào trên thị trường hiện nay là từ lai tạo nhân tạo, sản xuất vô tính, có giá rẻ hơn nhiều so với Đại hồng bào từ cây mẹ. Giá cả phụ thuộc nhiều vào chất lượng của lá trà.Theo truyền thống người ta pha trà Đại hồng bào bằng ấm trà đất sét tím. Loại nước tốt nhất dùng để pha là nước tinh khiết. Sau khi nước sôi (1000C) cần sử dụng ngay, nước hơi nguội sẽ ảnh hưởng đến hương vị của Đại hồng bào. Nhiều người cho rằng, ở lần ngâm thứ ba và thứ tư thì nước trà được xem là ngon nhất.

Số lượng cây mẹ Đại hồng bào rất ít, hiện còn sáu cây, tất cả đều là cây bụi, lá dày. Việc thu hoạch rất hạn chế, chỉ được vài trăm gam trong một mùa thu hoạch. Sau nhiều năm canh tác các chuyên gia của Viện nghiên cứu trà Vũ Di Sơn mới nhân giống thành công bằng giâm cành, có thể đạt được chất lượng như cây mẹ.

Cách chế biến Đại hồng bào

Hái lá trà. Người ta thường hái lá trà mỗi năm một lần, thường là vào tháng Năm và tháng Sáu. Lá phải tươi, 1 chồi có 2—3 lá.

Làm héo. Sau khi hái người ta đem lá trà về, trải đều dưới nắng, dùng ánh nắng và gió để làm bay hơi nước.

Làm nguội. Sau khi làm héo, lá trà được chuyển vào bên trong và làm nguội.

Sơ chế. Lá trà được lắc và cuộn trong một cái rây tre lớn để làm khô, thúc đẩy nhanh quá trình oxy hóa polyphenol bên trong lá trà.

Xào. Xào lá bằng tay hoặc bằng máy. Nếu xào tay, nhiệt độ nồi xào từ 140–160 ° C, cần đeo găng tay, đảo đều tay. Nhiệt độ nồi xào máy từ 220–260 ° C, không cần dùng tay.

Nhào. Nhào bằng tay hoặc bằng máy. Bằng cách nhào, cuộn, xoắn tạo lá trà thành hình dạng dây.

Nướng. Bước này bao gồm đặt trà vào một cái rổ lớn và sử dụng nhiệt độ khác nhau để làm nóng và làm khô lá, thường mất hàng giờ.

Bốn loại lá trà được trưng bày trong buổi giới thiệu trà, đó là trà Kỳ đơn, Đại hồng bào, Thủy Tiên và Nhục quế

ký giả CCTV Wei Zijun - news.ifeng.com

Trà Đại hồng bào

tea-tao.com, tea-tao.com

Về hai giả thuyết nguồn gốc của tên trà Đại hồng bào

Thứ nhất, người ta nói rằng cái tên Đại hồng bào xuất phát từ màu đỏ tím của chồi non cây trà vào mùa Thanh minh.

Thứ hai, vào thời cổ đại, có một học trò nghèo đi thi ở Bắc Kinh, khi đi qua dãy núi Vũ Di thì bị bệnh, may mắn có sư trụ trì già của chùa Thiên Tâm nhìn thấy anh ta nên đưa cho anh một chén trà hái trên núi. Sau khi uống trà, chàng thư sinh cảm thấy khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng. Vài ngày sau, anh đã giành được vị trí đầu trong kỳ thi. Vì vậy, anh đã trở lại chùa để cảm ơn vị sư đã cứu mình. Sau đó, anh sử dụng loại trà này để chữa bệnh cho hoàng đế.

Hoàng đế ban thưởng cho anh một chiếc áo choàng đỏ, yêu cầu anh đặt chiếc áo choàng đỏ lên cây trà. Áo choàng đỏ được coi là một vinh dự cao vào thời điểm đó. Khi cây trà đâm chồi nảy lộc, búp và lá cây trà đỏ rực dưới ánh mặt trời, người ta cho rằng cây đã bị nhuộm đỏ. Về sau, cây trà được đặt tên là Đại hồng bào (Áo choàng đỏ lớn).

Trà Đại hồng bào có tác dụng giảm cholesterol, hỗ trợ tiêu hóa, giảm nguy cơ ung thư, giảm lượng đường trong máu... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.