T.Ư Đảng thảo luận việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1.7.2024

04/10/2023 07:43 GMT+7

Ngày 3.10, tiếp tục Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII, T.Ư Đảng làm việc tại hội trường để thảo luận về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Việc xem xét tình hình KT-XH, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, 2024 và giai đoạn 2024 - 2026, trong đó có lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, là một trong những nội dung quan trọng sẽ được T.Ư thảo luận và quyết định tại Hội nghị T.Ư 8 lần này.

T.Ư Đảng thảo luận việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1.7.2024 - Ảnh 1.

T.Ư Đảng thảo luận lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới

PHẠM CƯỜNG

Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị sáng 2.10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các đại biểu nghiên cứu tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.

Từ đó, xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024. Trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1.7.2024 theo tờ trình của Chính phủ.

Tổng Bí thư lưu ý nhiều khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.

Cùng đó, một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp…

Trong buổi chiều, T.Ư Đảng làm việc tại tổ thảo luận đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.