Tự đánh mất thương hiệu

13/09/2013 10:30 GMT+7

Những năm sau giải phóng, ai đi tàu lửa, nghe đến 'ga gà' đều biết ngay đó là ga Quảng Ngãi. Gà thì được nuôi ở khắp nơi trên đất nước mình thời đó. Ngay cả ở các thành phố lớn, trong các khu chung cư cao tầng, người dân cũng 'tăng gia' bằng việc nuôi mấy chú gà.

Ấy thế mà chỉ có ở Quảng Ngãi, gà mới thành “đặc sản”, thành “thương hiệu mạnh” để ai đi ngang qua vùng đất này bằng tàu hỏa cũng đều phải lưu vào bộ nhớ của mình. Những chú gà vàng hườm, bóng nhẫy, căng mọng luôn được những người bán hàng tại ga Quảng Ngãi chào mời khiến cho du khách không thể “ngó lơ” mà phải móc tiền ra mua một con gà để ăn cho biết. Và, bằng chất lượng của nó, gà Quảng Ngãi đã có tiếng vang cả trong Nam ngoài Bắc suốt một thời gian dài. Cái tên “ga gà” mặc nhiên đã thành tên gọi phụ để chỉ ga Quảng Ngãi.

Thế rồi cái tên ga do hành khách đặt với rất nhiều thiện cảm ấy đã mất dần ý nghĩa tốt đẹp của nó như lúc ban đầu. Nhiều người vì quá hám lợi, đã lừa khách đi tàu bằng những chiêu thuật ít ai ngờ được. Đợi cho tàu bắt đầu lăn bánh, người bán gà mới đồng ý với giá mà khách đã mặc cả ban đầu. Khi khách đưa tiền và thò tay để lấy chú gà từ tay người bán thì con gà chỉ còn mỗi cái đầu, mình gà thì ở lại! Tàu đã chạy, người mua gà đã trả đủ tiền nhưng chỉ lấy được đầu gà, chả nhẽ lại nhảy xuống tàu để “ăn thua đủ” với người bán gà? Thôi thì đành chịu mắc lừa một lần ấy vậy. Không phải tất cả những ai bán gà ở ga Quảng Ngãi cũng tham gia vào trò lừa đảo ấy nhưng chỉ cần một vài người bán gà không tử tế cũng đủ để khai tử tên gọi “ga gà” trong lòng du khách.

Giống như ga Quảng Ngãi, ga Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận cũng là một “thương hiệu mạnh” về nho. Những quả nho tươi chín mọng được mời chào tận giường nằm của khách đi tàu khiến không một ai có thể chối từ mua những chùm nho hấp dẫn ấy để về làm quà cho người thân. Tuy không được gọi “ga nho” như “ga gà” ở Quảng Ngãi, song nho Ninh Thuận cũng đã thành thương hiệu không thể không mua làm quà với khách thập phương mỗi khi tàu dừng tại ga Tháp Chàm. Thế rồi mới đây, câu chuyện “đầu gà theo khách còn mình gà ở lại” như ở ga Quảng Ngãi năm nào lại lặp lại ở ga Tháp Chàm. Nho không “ở lại nửa chùm”, song những chùm nho xinh xắn mà du khách mua về làm quà ấy được độn bằng … sạn cho nặng cân hoặc người bán nho đã dùng dây su buộc các trái nho rời lại thành chùm trông rất bắt mắt. Tất cả những chiêu lừa này, khách mua nho về tới nhà mới biết.

Gà Quảng Ngãi hay nho Ninh Thuận, bằng chất lượng tự thân, nó đã thành thương hiệu với nhiều người đi tàu. Thế nhưng, chỉ vì hám lợi cỏn con mà vô tình một số người bán hàng đã làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của các loại sản phẩm này. Chính những người bán hàng đã tự làm khó cho mình chứ không ai khác một khi hành khách quay lưng lại với các sản phẩm ấy.

Hải Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.