Từ Đào, phở và piano, tìm đột phá cho phim nhà nước

04/03/2024 07:31 GMT+7

Nhìn sâu hơn vào "cơn sốt" Đào, phở và piano là cần thiết để giải quyết những bó buộc, vướng mắc giúp phim nhà nước thoát khỏi tình trạng đầu tư tiền tỉ rồi "cất kho" và đến với công chúng rộng rãi hơn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hoài Sơn (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, nhìn nhận sự quan tâm đặc biệt với phim Đào, phở và piano vừa qua cho thấy tín hiệu tích cực với các phim do nhà nước đặt hàng.

Từ Đào, phở và piano, tìm đột phá cho phim nhà nước- Ảnh 1.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội

GIA HÂN

"Nếu chúng ta có thể biến hiện tượng này trở thành xu hướng thì thời gian tới sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với dòng phim nhà nước đặt hàng, giúp các bộ phim này đến với khán giả một cách rộng rãi hơn, truyền tải được những thông điệp mà chúng ta mong muốn đến với xã hội", ông Sơn nói.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Từ Đào, phở và piano, tìm đột phá cho phim nhà nước- Ảnh 2.

Phim Đào, phở và piano

TƯ LIỆU

Tín hiệu tích cực mà phim Đào, phở và piano mang tới cho phim nhà nước là gì, thưa ông?

Ông Bùi Hoài Sơn: Có nhiều lý do khiến phim Đào, phở và piano nhận được sự quan tâm mà chúng ta có thể nói là đột biến của khán giả. Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất chính là hiệu ứng lan tỏa từ các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, cùng với số suất chiếu ít ỏi của bộ phim này tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) trong những ngày đầu tiên, đã tạo nên "cơn sốt" chưa từng có như ta thấy.

"Cơn sốt" này cũng đang đặt ra câu hỏi: tại sao trước giờ chúng ta lại không làm được như Đào, phở và piano? Vì sao hầu hết các phim được nhà nước đầu tư trong nhiều năm qua rơi vào tình cảnh cất kho hoặc chỉ có vài suất chiếu ít ỏi trong các dịp kỷ niệm dù được đầu tư tiền tỉ?... Sự quan tâm của xã hội tới phim nhà nước, những câu hỏi được đặt ra từ cơn sốt Đào, phở và piano theo tôi là tín hiệu tích cực để tạo ra sự thay đổi với phim do nhà nước đặt hàng. Nhìn sâu hơn vào "cơn sốt" Đào, phở và piano là cần thiết để giải quyết những bó buộc, vướng mắc giúp phim nhà nước đầu tư thoát khỏi tình trạng hiện nay, đến với công chúng rộng rãi hơn.

Điều gì khiến khán giả không mặn mà với phim nhà nước, hầu hết các phim làm xong chỉ để cất kho dù nhiều phim được đầu tư lớn và chất lượng không tệ?

Các phim do nhà nước đặt hàng, đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu kịch bản cho tới sự hạn hẹp của nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và cả các quy trình đấu thầu, đặt hàng cho tới giải ngân, thanh toán… Sự bó buộc của cơ chế khiến rất nhiều người nản chí khi tham gia các dự án phim của nhà nước.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chúng ta vẫn tư duy làm phim theo kiểu cũ mà lý do tạo ra "cơn sốt" phim Đào, phở và piano là minh chứng rất rõ. Tức là chúng ta chỉ mới chú ý đến làm sao có thể sản xuất ra một sản phẩm điện ảnh mà chưa chú ý đến việc đưa tác phẩm đó ra thị trường, đến với công chúng.

Hiện nay, nhà nước đầu tư kinh phí đặt hàng sản xuất phim nhưng không dành kinh phí cho việc quảng bá, phát hành. Ta cũng không có cơ chế nào khuyến khích đưa bộ phim đấy ra thị trường. Có người nói với tôi để đưa một bộ phim ra rạp, chưa làm gì đã phải đóng 1 tỉ phí phát hành rồi. Nhưng không có khoản tiền nào nhà nước bỏ ra dành cho việc đó cả. Nhà sản xuất muốn phim phát hành thì phải tự bỏ ra. Tuy nhiên, ngay cả khi nhà sản xuất bỏ ra thì doanh thu từ tiền vé theo quy định cũng phải nộp vào ngân sách nhà nước chứ không thể chia cho nhà sản xuất hay đơn vị phát hành. Ngay cả phim Đào, phở và piano, hiện nay đã có thêm 2 đơn vị phát hành tư nhân nhận chiếu phim này nhưng là làm miễn phí, phi lợi nhuận, tức bao nhiêu tiền vé đều trả về ngân sách nhà nước…

THÁO GỠ CHO CẢ HỆ THỐNG

Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là một phim do nhà nước đầu tư với sự tham gia của tư nhân đã thành công cả về nội dung lẫn doanh thu. Ông có cho rằng thu hút sự tham gia của tư nhân làm các dự án phim nhà nước là "lối thoát" khả thi cho tình trạng hiện nay?

Hợp tác công - tư là ý tưởng rất tốt để chúng ta vừa phát huy được vai trò định hướng của nhà nước trong việc tạo ra những sản phẩm phù hợp với mục đích mà chúng ta mong muốn, vừa phát huy được sự năng động, chủ động của tư nhân, đối tác bên ngoài.

Chúng ta cũng đã có thành công trong câu chuyện hợp tác công - tư này như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuy nhiên, kể từ khi chúng ta áp dụng Nghị định 151 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ năm 2021 và các nghị định hướng dẫn luật này ra đời thì không thực hiện được cơ chế này trong sản xuất phim từ ngân sách nhà nước nữa.

Luật PPP không có hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Việc triển khai theo các quy định có quá nhiều khó khăn, từ việc định giá tài sản, định giá thương hiệu, xác định giá trị đất đai của cơ quan nhà nước khi tham gia vào các dự án hợp tác công - tư… Chưa kể, lĩnh vực điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung cũng có nhiều đặc thù. Chẳng hạn, theo luật PPP thì có quy định đơn vị phải có mấy trăm tỉ mới được tham gia các dự án đầu tư đối tác công tư hay thời hạn đầu tư là 5 năm, 10 năm… Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa cụ thể là sản xuất phim thì không nhiều tiền đến thế. Một bộ phim nhiều khi chỉ vài tỉ đến vài chục tỉ thôi, thậm chí có thể ít hơn. Còn thời gian thì có khi chỉ 1 - 2 năm hoặc ngắn hơn.

Do đó, để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh thì phải làm sao các quy định phù hợp với các đặc điểm, đặc thù của lĩnh vực này. Còn nếu cứ áp dụng quy định chung theo luật PPP hiện nay thì cũng khó có thể triển khai được.

Như vậy có vẻ là không có lối thoát nào cho phim nhà nước?

Việc thu hút nguồn lực xã hội, sự tham gia của tư nhân vào sản xuất các dự án phim nhà nước đầu tư đã được bàn từ lâu và cũng có nhiều ý tưởng. Một ý tưởng đã được bàn khá nhiều nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp là trao thưởng thật cao cho các bộ phim về các đề tài mà nhà nước ưu tiên, thay vì nhà nước phải bỏ tiền đầu tư, lựa chọn kịch bản, nhà sản xuất, cho tới diễn viên rồi sau đó phó mặc chất lượng bộ phim cho... số phận. Khi đó, chúng ta sẽ huy động sự quan tâm, nguồn lực của dư luận, xã hội, các nhà làm phim tư nhân về chủ đề này. Đây là giải pháp rất phù hợp trong nền kinh tế thị trường, đề cao tính cạnh tranh trong việc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật chất lượng.

Một cơ chế khác mà thế giới hiện nay hay làm, tôi cho rằng cũng rất khả thi, là "đầu tư công, quản trị tư". Đây là cơ chế rất đáng xem xét không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà còn lĩnh vực khác. Tức là nhà nước có thể đầu tư để sản xuất bộ phim, còn khâu phát hành, đưa bộ phim ra rạp thì giao cho tư nhân để tư nhân thu hồi vốn cho nhà nước.

Tuy nhiên, ngoài việc nâng cao chất lượng của các bộ phim nhà nước đầu tư, phải có cơ chế phân chia lợi nhuận cho các nhà phát hành. Chúng ta không thể "lợi dụng" mãi tấm lòng của các nhà phát hành với phim nhà nước được. Vì tấm lòng, sự vô tư, không vì lợi nhuận của họ chỉ có thể ở một vài bộ phim chứ không thể kéo dài mãi.

Chúng ta vừa sửa luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ 1.1.2023, sao vướng mắc cơ chế vẫn nhiều thế, thưa ông?

Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 về tinh thần đã bao quát những vấn đề này. Vấn đề là trong luật Điện ảnh, hầu hết lại mang tính tuyên ngôn, nói rằng nhà nước sẽ ủng hộ, khuyến khích, đầu tư cho vấn đề này, vấn đề kia. Tuy nhiên, cơ chế cụ thể để giải quyết những vấn đề đấy lại phụ thuộc vào các luật chuyên ngành như luật Thuế, Đấu thầu, Quản lý tài sản công, luật PPP… Thế nên, khi chúng ta không gỡ được các luật chuyên ngành nói trên thì việc chúng ta làm vẫn theo cái khuôn mẫu cũ, cách làm thì còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là từ hiện tượng Đào, phở và piano, chúng ta biết được đang bị vướng ở chỗ nào và cần sửa ở chỗ nào. Rõ ràng, tới đây Bộ VH-TT-DL sẽ phải có đánh giá rất nghiêm túc, đưa ra các kiến nghị sửa đổi văn bản có liên quan để từ Đào, phở và piano tháo gỡ cho cả một hệ thống. Bởi nếu không nó sẽ chỉ là một hiện tượng mạng, và sẽ rất nhanh rơi vào quên lãng chứ không giúp ích gì cho sự phát triển nền công nghiệp điện ảnh mà ta đang hướng tới.

Đừng để phim nhà nước đầu tư chỉ làm… cho xong

Từ Đào, phở và piano, tìm đột phá cho phim nhà nước- Ảnh 3.

Ông Trịnh Xuân An

Ảnh: GIA HÂN

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, nói "rất buồn" khi một bộ phim về đề tài lịch sử được nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng như Đào, phở và piano, lại chỉ được công chúng biết đến qua một "cơn sốt" trên mạng xã hội. Theo ông An, không chỉ đến bộ phim Đào, phở và piano mà đây là tình trạng trầm kha của những bộ phim do nhà nước đầu tư. Ông cũng cho rằng hiện nay, việc đầu tư sản xuất cho tới phát hành của phim do nhà nước đầu tư gặp nhiều vướng mắc liên quan tới sự triển khai thống nhất, đồng bộ của pháp luật, song ông nhấn mạnh "không phải không có cách". Ông An dẫn chứng một bộ phim đã được nhà nước đầu tư như Đào, phở và piano, là tài sản nhà nước rồi thì hoàn toàn có thể đưa ra kêu gọi các doanh nghiệp đấu thầu phát hành vừa để thu hồi vốn cho nhà nước, vừa để bộ phim đến được với công chúng rộng rãi hơn.

Theo ông An, từ hiện tượng Đào, phở và piano cũng cần đặt vấn đề một cách tổng thể hơn, sâu hơn và trách nhiệm hơn về các phim do nhà nước đầu tư. Đặc biệt là cần phải thay đổi cơ chế về đầu tư, đặt hàng để phim nhà nước không chỉ hiệu quả mà còn dám cạnh tranh được với các phim thương mại. Theo ông An, ngân sách nhà nước đầu tư cho các phim về lịch sử, văn hóa phải đàng hoàng, đĩnh đạc, xứng tầm chứ không chỉ vài tỉ, hay vài chục tỉ. Cùng đó, phải mở ra cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội, thu hút các nhà làm phim tư nhân tham gia các dự án phim nhà nước. "Đừng để Đào, phở và piano trở thành một hiện tượng dị biệt trên mạng xã hội rồi khi giai đoạn cảm xúc qua đi thì những bộ phim do nhà nước đầu tư lại phải chịu số phận hẩm hiu trong kho và chờ đến một cơn sốt bất chợt nào đó", ông An nói thêm.

"Cơn sốt" Đào, phở và piano

Được công chiếu vào mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bộ phim Đào, phở và piano "bỗng dưng cháy vé", trong khi các suất chiếu chỉ có tại Trung tâm chiếu phim quốc gia - đơn vị phát hành phim duy nhất của nhà nước theo diện thí điểm, tạo nên "cơn sốt" chưa từng thấy trong lịch sử phim Việt những năm gần đây. Các suất chiếu sau đó đã được mở rộng đến các trung tâm chiếu phim của nhà nước ở 11 tỉnh, thành. Hai rạp chiếu phim tư nhân cũng nhận cung cấp các suất chiếu Đào, phở và piano mà không thu lợi nhuận, trả tất cả tiền vé thu được về ngân sách. Sau 20 ngày ra rạp, doanh thu của Đào, phở và piano đã đạt 10 tỉ đồng - kỷ lục chưa từng có của phim nhà nước chiếu rạp. Đào, phở và piano là phim điện ảnh được Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Đạo diễn Phi Tiến Sơn làm biên kịch, đạo diễn. Phim từng nhận giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim VN lần thứ 23 hồi tháng 11.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.