Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập

03/03/2018 06:57 GMT+7

Theo tài liệu của Hội trường Thống Nhất, lúc mới xây dựng, dinh thự này được gọi là dinh Norodom do mặt tiền nằm ngang đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn).

Sáng 9.3, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM sẽ khai mạc trưng bày đặc biệt Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập (1868 - 1966), tập hợp trên 500 tài liệu, hình ảnh, hiện vật… quy mô nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều bức ảnh gốc sưu tầm tại các trung tâm lưu trữ của VN và Mỹ.
Những bức ảnh hiếm hoi
Theo tài liệu của Hội trường Thống Nhất, lúc mới xây dựng, dinh thự này được gọi là dinh Norodom do mặt tiền nằm ngang đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn).
Tại cuộc trưng bày, người xem sẽ được khám phá hơn 60 bức ảnh giới thiệu quá trình ông Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống và sự phân chia quyền lực trong gia đình họ Ngô với nhiều bí ẩn, phức tạp của những nhân vật: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân và cuộc chiến giành quyền lực ở Sài Gòn... Hình ảnh ông Ngô Đình Diệm cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên tháng 5.1955, ảnh Nguyễn Thành Phương và Trịnh Minh Thế đem quân về hợp tác và được ông Ngô Đình Diệm đón tiếp long trọng, còn Lê Quang Vinh thì bị xét xử tại tòa án là những tư liệu quý, hiếm.
Theo chị Hồ Thị Thanh Minh, Phó phòng Nghiệp vụ thuyết minh (Hội trường Thống Nhất): “Một phần của trưng bày tái hiện vụ ném bom dinh Độc Lập vào sáng ngày 27.2.1962, những khủng hoảng chính trị năm 1963 và kết cục là cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, buộc hai anh em ông Diệm - Nhu phải tháo chạy và bị giết chết… Quá trình xây dựng dinh Độc Lập bị gián đoạn 6 tháng mới khánh thành, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Cao Kỳ cũng có trong những tấm ảnh lịch sử”.
Ngoài ra, còn có hình dinh Độc Lập mới được khởi công ngày 1.7.1962 trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Điểm nổi bật của công trình chính là bức rèm hoa đá bao quanh tầng 2 thể hiện qua thư viết tay của điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế, phụ trách ban kiến trúc và các đồng sự cũng góp phần giải tỏa nhiều bí ẩn lâu nay.
Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập1
Dinh Độc Lập lúc đang thi công
Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập2
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế (bên phải)
Tìm tư liệu cách nửa vòng trái đất
Bà Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hóa VN), người từng cùng nhóm công tác Hội trường Thống Nhất sang Mỹ cuối năm 2015 để sưu tầm tài liệu trong 3 tuần, vẫn nhớ như in công việc vất vả này. “Trước đó, chúng tôi lặn lội khắp các trung tâm lưu trữ của VN tại Hà Nội và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM… nhưng vẫn thấy thiếu, dù rằng cũng đã có nhiều tư liệu quý. Vượt nửa vòng trái đất sang Mỹ, tiếp tục tới 4 trung tâm lưu trữ và 3 bảo tàng, chuyến công tác đặc biệt ấy mang về các đầu tài liệu, hình ảnh lịch sử không chỉ đáp ứng được yêu cầu cho trưng bày hiện tại mà còn làm “vốn liếng” cho nghiên cứu lâu dài”, bà Lý chia sẻ.
Giám đốc Hội trường Thống Nhất Trần Thị Ngọc Diệp thông tin thêm: “Được sự giới thiệu của ông Edward Miller, giáo sư sử học Trường ĐH Dartmouth (Mỹ), là tác giả cuốn sách Liên minh sai lầm, Mỹ, Ngô Đình Diệm và số phận Nam Việt Nam, chúng tôi tìm gặp một nhân vật trong nhóm cố vấn Mỹ đầu tiên được cử đến Sài Gòn từ năm 1954. Ông ấy nắm rất chắc và có tư liệu về thời kỳ này. Hơn 80 tuổi nhưng ông ấy còn nhanh nhẹn lắm. Ông thích ẩm thực Việt nên nhóm công tác mời ông đến một quán ăn VN để phỏng vấn. Là người trong cuộc, gần gũi với hai ông Diệm - Nhu trong thời gian dài nên ông có rất nhiều bức hình về gia đình họ Ngô, về ấp chiến lược. Bộ sưu tập này đã gửi tặng Trung tâm VN ở Trường ĐH Kỹ thuật Texas (Lubbok, Mỹ) để lưu giữ. May nhờ thông tin và sự giới thiệu của ông, chúng tôi được nhiệt tình giúp đỡ lấy được bản sao của bộ ảnh mà không phải tốn kém. Ảnh do tự tay ông ấy chụp, chất lượng tuyệt vời. Tôi thật cảm động khi gặp ông Larry Berman, tác giả cuốn sách nổi tiếng X6 - Điệp viên hoàn hảo, cũng hỗ trợ rất nhiều trong công việc tìm kiếm tư liệu, trả lời phỏng vấn. Trước ngày trưng bày diễn ra, ông sẽ bay sang đây tham quan”.
Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập (1868 - 1966) nằm trong dự án Đổi mới công tác trưng bày, thuyết minh tại di tích dinh Độc Lập được lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thông qua từ năm 2014, được thực hiện rất cẩn trọng, ròng rã trong hơn 3 năm và sẽ miễn phí tham quan hai tuần đầu. Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh, cho biết: “Điều hấp dẫn nữa là trưng bày này lại thực hiện ở ngay khuôn viên ngôi biệt thự cổ (ảnh), nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt của dinh xây dựng từ thời Pháp vẫn còn giữ lại nguyên vẹn và từng là trụ sở làm việc của Đảng Dân chủ dưới thời Đệ nhị VNCH, với nhiều bí mật bên trong cũng đang chờ được giải mã”.
Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập3
Ảnh: Quỳnh Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.