Từ đồi chè bước ra thế giới và... quay về

10/11/2019 07:29 GMT+7

Ở tuổi 32, tiến sĩ Đoàn Quang Huy sở hữu hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí, hội thảo trong nước, quốc tế .

Anh cũng là chủ nhiệm và tham gia hơn 10 đề tài, dự án nghiên cứu các cấp tại Việt Nam và nước ngoài.
Năm 2018, tiến sĩ Đoàn Quang Huy đã bỏ lại nhiều cơ hội làm việc tại Đức và trở về cống hiến trên chính quê hương mình.

Ký ức bên gùi chè của mẹ

Đoàn Quang Huy hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên). Anh sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo gần hồ Núi Cốc, xóm nhỏ La Lải của tỉnh Thái Nguyên với trùng điệp những đồi chè. Hình bóng cha mẹ nhọc nhằn bên gùi chè sớm hôm đã hằn in trong ký ức tuổi thơ anh.
Tiến sĩ Đoàn Quang Huy

Tiến sĩ Đoàn Quang Huy

“Ngay từ bé, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của tri thức. Chỉ tri thức mới là chìa khóa đem lại thành công cho cá nhân tôi, cũng như giúp đất nước mình phát triển. Đó là động lực mạnh mẽ nhất để tôi học và nghiên cứu không ngừng về các lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế, chính sách kinh tế...”, Huy bộc bạch.
Khi là sinh viên năm thứ 3, Huy đã có công trình nghiên cứu đầu tiên về vấn đề sinh kế của người dân vùng cao tại tỉnh Yên Bái. Anh lên tận nơi, cùng sống với người dân tộc Mông trong một tháng để điều tra số liệu, tìm hiểu thực tế.
“Khi làm công trình này, trình độ của tôi còn hạn chế, nên thật sự chưa đóng góp được nhiều cho bà con. Điều này càng thôi thúc tôi phải giành được những học bổng nước ngoài. Thật sự, những năm tháng học tập ở Úc, Hàn Quốc và Đức đã cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm”, Huy cho biết. Không chỉ vậy, anh cũng đã xuất bản một quyển sách tham khảo và hiện đang chủ nhiệm, tham gia hơn 10 đề tài, dự án các cấp, tại Việt Nam và nước ngoài.
Rất quan tâm về vấn đề người trẻ khởi nghiệp, năm 2018, Huy là 1 trong 200 đại biểu tham gia diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu, diễn ra tại Hà Nội, anh chia sẻ tham luận về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo Huy, các bạn trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội và hừng hực khí thế khởi nghiệp, nhưng hạn chế ở chỗ đa phần khởi nghiệp vì sở thích, thay vì theo nhu cầu thị trường hoặc bằng sáng chế, sản phẩm đột phá của mình nên dễ thất bại.
“Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018, có 90% doanh nghiệp khởi nghiệp của VN thất bại trong 1 - 2 năm đầu tiên. Do đó, ngoài giữ tinh thần khởi nghiệp, chúng ta cần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và làm tốt công tác định hướng, tư vấn, huấn luyện”, Đoàn Quang Huy nói.

Tiến sĩ Việt nghiên cứu vấn đề kinh tế châu Phi

Mới đây, nghiên cứu “Tự do hóa thương mại, chất lượng thể chế và tác động đối với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực hạ Sahara châu Phi” của tiến sĩ Huy được đăng tải trên tạp chí Economics (Thụy Sĩ). Anh cho hay đây là 1 trong cụm 5 công trình liên quan tới nghiên cứu châu Phi. 4 công trình còn lại về an ninh lương thực, bất bình đẳng thu nhập, môi trường và giáo dục.
Tiến sĩ Huy cho biết châu Phi đang là đích đến của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Việt Nam cũng xác định châu Phi là thị trường tiềm năng để liên kết, đầu tư và khai thác. “Không chỉ vậy, Việt Nam có khá nhiều vấn đề tồn tại giống châu Phi trong phát triển kinh tế, trong cụm công trình nghiên cứu, tôi đưa rất nhiều giải pháp, gợi ý chính sách để giải quyết. Các kết quả này hoàn toàn phù hợp để ứng dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bền vững”, anh Huy cho hay.
Không chỉ đam mê nghiên cứu, Đoàn Quang Huy còn là tiến sĩ trẻ nhiệt huyết, từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại TP.Jena (Đức) và là Phó chủ tịch, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức (SiViDuc).
Hằng năm, SiViDuc có nhiều dự án hỗ trợ phát triển cho người Việt trẻ tại Đức như Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu (VSNE), hoặc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Đồng thời, SiViDuc còn nhiều hoạt động khác hướng về quê hương như tổ chức các buổi kỷ niệm vào những ngày lễ, tết, các dự án Cơm có thịt, Tủ sách cho em, chương trình hướng về biển đảo, tặng sách cho chiến sĩ ở đảo xa...
Tiến sĩ Huy quyết định trở về quê hương làm việc với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thông qua các công trình nghiên cứu, đánh giá về thực trạng, những trở ngại, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của các tỉnh cũng như cả nước. “Tôi rất muốn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam và ĐH Thái Nguyên, nơi tôi đã trưởng thành, để được chia sẻ tri thức và nhiều kinh nghiệm cho người trẻ”, tiến sĩ Huy nói.
Tiến sĩ Đoàn Quang Huy, cựu học sinh chuyên toán, Trường THPT chuyên Thái Nguyên; tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) năm 2008; học thạc sĩ tại Trường ĐH Sogang (Hàn Quốc); tham gia đào tạo ngắn hạn tại Trường ĐH Queensland (Úc). Năm 2014, anh là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Friedrich-Schiller-Jena, Đức.
Anh là nhà nghiên cứu và tư vấn về thương mại, kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, kinh tế phát triển, chính sách kinh tế và nghiên cứu châu Phi. Anh từng giành các học bổng của Quỹ POSCO TJ Park Foundation, Hàn Quốc; của Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Tiến sĩ Huy được nhận bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức. Anh là thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Đức (VGI) và là 1 trong 200 đại biểu của Diễn đàn tri thức trẻ toàn cầu năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.