53.000 đồng/m3 nước !
Năm 2008, 170 hộ dân thuộc xã Hưng Thịnh (H.Hưng Nguyên) được nhập về địa giới P.Vinh Tân, TP.Vinh (nay là khối Tân An, P.Vinh Tân). 2 năm sau đó, UBND P.Vinh Tân đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước máy về đây và các hộ dân hợp đồng lắp đặt đồng hồ nước với Công ty cấp nước Nghệ An tại nhà để sử dụng. Tuy nhiên, lượng nước tiêu thụ của người dân ở đây không được tính tại đồng hồ gia đình mà tính từ đồng hồ tổng lắp đặt ngay đầu xóm. “Bi kịch” giá nước máy cũng bắt đầu từ đó.
Người dân cho biết thời gian đầu giá nước máy họ trả vẫn cao hơn giá quy định của UBND tỉnh Nghệ An, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, càng về sau, lượng nước tiêu thụ đo được từ đồng hồ tổng cao hơn rất nhiều so với từ các đồng hồ nhà dân cộng lại, nên giá nước ngày càng tăng vọt. Để khống chế thất thoát nước, người dân đề nghị lắp thêm các đồng hồ tổng ở các nhánh nhưng giá nước vẫn cao ngất ngưởng. Đặc biệt, tại cụm dân cư nằm cuối khối Tân An, lượng nước tại đồng hồ tổng của nhánh này luôn cao hơn 3 - 4 lần so với lượng nước cộng lại từ các đồng hồ lắp ở nhà dân. Vì thế, dù giá nước do Công ty CP cấp nước Nghệ An thu từ đồng hồ tổng 10.500 đồng/m3, nhưng hàng chục hộ dân ở đây phải trả cao hơn gấp nhiều lần.
“Có tháng, chúng tôi phải trả với giá 53.000 đồng/m3. Tháng 5 vừa qua, giá nước cũng ở mức 41.000 đồng/m3. Gia đình tôi dùng rất tiết kiệm, mỗi tháng sử dụng 7 - 8 m3 nước nhưng tháng nào ít cũng phải đóng 200.000 - 400.000 đồng”, anh Đoàn Văn Huy, một người dân ở đây, cho biết.
Điều vô cùng bất tiện là do giá nước không được Công ty CP cấp nước Nghệ An thu và tính tại đồng hồ nhà dân, nên hằng tháng các hộ phải luân phiên thay nhau đến các gia đình trong xóm ghi chỉ số đồng hồ. Sau khi nhận được thông báo tổng số tiền phải nộp từ Công ty CP cấp nước Nghệ An, người này có trách nhiệm tính toán giá nước tại đồng hồ gia đình và đi thu tiền.
“Giá nước quá cao, dân kêu và chậm nộp thì bị cắt nước. Có khi cả tuần chúng tôi không có giọt nước máy nào, phải mang can đi nơi khác xin về dùng, việc giặt giũ, tắm rửa vô cùng khổ sở”, anh Huy nói.
Ông Trần Xuân Thú, một cư dân ở đây, cho biết dù giá nước quá cao, cuộc sống người dân khó khăn nhưng các gia đình vẫn phải dùng nước máy vì nước giếng bị nhiễm phèn. “Nước rất yếu, nhất là những giờ cao điểm. Có khi nước mất đến mấy ngày, nhưng cũng không biết kêu ai”, ông Thú nói và cho biết thêm, hệ thống đường ống cấp nước ở đây là ống chịu lực, được chôn khá sâu bên lề đường nên khả năng vỡ là rất ít. Người dân đã kiểm tra nhưng không thấy có dấu hiệu vỡ đường ống.
“Chúng tôi không hiểu tại sao nước thất thoát nhiều như vậy. Tháng 5 vừa rồi, lượng nước từ đồng hồ các gia đình nhánh này cộng lại chỉ có 78 m3, nhưng đồng hồ tổng lại báo về đến 300 m3!”, ông Thú nói.
Kêu nhiều nhưng chưa thấu
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND P.Vinh Tân, cho biết người dân phản ánh nước máy giá quá cao là đúng sự thật. Theo ông Mạnh, từ năm 2010, sau khi 2 khối Yên Cư và Yên Phượng được chia tách từ xã Hưng Thịnh, nhập về P.Vinh Tân, phường đã đầu tư đường ống để cấp nước máy cho dân. Nhưng Công ty CP cấp nước Nghệ An lúc đó chỉ bán nước tại đồng hồ tổng, nên người dân bị thiệt thòi do lượng nước thất thoát họ vẫn phải gánh chịu.
Hiện nay có 170 hộ dân ở khối Tân An đang phải trả tiền mua nước ở đồng hồ tổng với giá cao hơn so với giá quy định. UBND P.Vinh Tân đã gửi nhiều văn bản cho Công ty CP cấp nước Nghệ An đề nghị tính giá và lượng nước tiêu thụ tại đồng hồ gia đình nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông Mạnh cho biết Công ty CP cấp nước Nghệ An đưa ra lý do hệ thống đường ống đơn vị khác thi công, không đảm bảo nên họ không tiếp nhận, vận hành sử dụng.
“Đích thân tôi đã 2 lần xuống làm việc trực tiếp với Công ty CP cấp nước Nghệ An, họ cũng đã cho khảo sát và hứa sẽ chuyển sang tính giá nước tại đồng hồ gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện”, ông Mạnh nói và cho biết, Công ty CP cấp nước Nghệ An hứa sẽ sử dụng hệ thống nước dẫn từ H.Hưng Nguyên xuống, thay thế cho hệ thống cũ và tính giá nước ngay tại đồng hồ nhà dân. Nhưng hệ thống đó chưa thi công nên dân vẫn phải... chờ.
Bình luận (0)