Từ đơn thư bạn đọc: Tháo chạy khỏi khu tái định cư

09/10/2019 07:46 GMT+7

44/47 hộ dân ở xã Yên Na (H.Tương Dương, Nghệ An) đã phải tháo chạy khỏi khu tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ vì cuộc sống ở đây quá khó khăn.

Bỏ nhà kiên cố, ở nhà tạm

Người dân tháo chạy khỏi khu tái định cư, hoang phí hàng chục tỉ đồng

Những hộ dân này từ Bản Vẽ (xã Yên Na), được chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ di dời đến khu tái định cư (TĐC) Khe Ò cùng xã Yên Na từ năm 2004 để nhường đất xây nhà điều hành thủy điện. Khu TĐC nằm cách bản cũ 3 km, bên sườn núi, phía dưới chân núi là con sông Nậm Nơn, hạ nguồn thủy điện Bản Vẽ. Bà Quang Thị Mai, một cư dân khu TĐC này, cho biết trước khi di dời, chủ dự án có họp dân hỏi ý kiến về địa điểm TĐC và có 2 phương án là di dời về H.Thanh Chương (cách đó khoảng 150 km) hoặc di vén (tái định cư quanh khu ở cũ) lên núi Khe Ò. “Đi Thanh Chương thì xa quá nên dân chọn di vén. Lúc đó, họ hứa lên khu TĐC thì chỗ ở sẽ tốt hơn nơi cũ. Họ còn xây nhà mới nên dân đồng ý”, bà Mai nói.
Hàng chục căn xây dạng nhà sàn và trệt được chủ đầu tư xây dựng bên hông núi Khe Ò, đồng thời làm hạ tầng đường bê tông, điện lưới, ống dẫn nước, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng. 47 hộ dân dọn đến đây sinh sống ngay sau khi khu TĐC hoàn thành. Năm 2010, sau vài trận mưa lớn, một tảng đá khổng lồ nằm ngay phía sau nhà bếp của bà Mai bất ngờ lăn xuống. Nghe tiếng động lạ, ông Lô Thanh Xuân, chồng bà Mai, chạy ra kiểm tra đã kịp hô hoán bà Mai và 2 người con tháo chạy ra ngoài thoát thân. “Mẹ con tui vừa chạy ra khỏi nhà thì tảng đá lăn xuống, đè sập nhà bếp rồi vỡ đôi, một nửa lăn xuống đường, nửa kia xuống vực”, bà Mai kể. Sau sự cố này, lưng núi phía sau 7 hộ dân gần nhà bà Mai có nguy cơ sạt xuống. Chính quyền đã kiểm tra, hỗ trợ mỗi gia đình 7 triệu đồng để tự di dời nhà. 7 hộ này đã xuống phía dưới núi, ven sông Nậm Nơn, nằm dọc bên con đường liên xã tự dựng nhà ở.
Khoảng 1 năm sau, người dân phát hiện một vết nứt dài chạy vòng phía sau khu TĐC nên báo chính quyền. Chính quyền đã cho kiểm tra, xác nhận có vết nứt. Sau đó, do sợ nguy hiểm nên người dân lần lượt bỏ khu TĐC, quay về gần bản cũ dựng nhà tạm ven sông Nậm Nơn. Đến nay, chỉ còn 3 gia đình bám trụ lại khu TĐC này.
Ông Lô Hoài Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, thừa nhận khu TĐC không thuận lợi cho dân vì độ dốc lớn, xa lòng hồ là nơi người dân đang chăn nuôi, đánh cá để mưu sinh.

Tránh núi lở, gặp lũ cuốn

Trong số 3 gia đình còn bám trụ lại khu TĐC Khe Ò này có gia đình ông Lương Văn Thắng, nguyên Trưởng bản Khe Ò. Ông Thắng nói: “Chúng tôi cũng muốn đi lắm, nhưng già rồi, đi lại phải dựng nhà vất vả nên đành ở lại”. Theo ông Thắng, không chỉ sợ sạt lở khi mùa mưa lũ đến, về khu TĐC này, người dân không có đất sản xuất, mỗi nhà chỉ có đất ở và mảnh vườn nhỏ, nhưng đất toàn đá sỏi và dốc nên không trồng được cây gì. Con đường nhựa liên xã có thời điểm bị mưa lũ xói lở, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là việc đưa đón con đi học xa nên dân nản.
Tự di dời xuống núi, các hộ dân này lại đối mặt với nguy hiểm khác rình rập. Ông Lô Hoài Thơm cho biết khu vực này chính quyền cấm ở vì đây là bãi thải của thủy điện, có nguy cơ sạt lở và ngập lụt, nhưng dân bản bỏ khu TĐC vẫn tự đến dựng nhà sinh sống. Năm 2018, thủy điện Bản Vẽ xả lũ khiến nhiều nhà bị ngập sâu, trong đó gần 20 ngôi nhà bị cuốn trôi, rất may toàn bộ dân kịp sơ tán từ trước. Sau đó, UBND H.Tương Dương phải làm khu TĐC khác ở trong xã để buộc gần 20 hộ này phải di dời. “Số hộ còn lại cũng sẽ phải di dời, không thể ở đó được vì đây cũng là nơi nguy hiểm”, ông Thơm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.