Từ du học sinh vỡ mộng trên đất Mỹ đến thạc sĩ ngôn ngữ

27/03/2022 11:45 GMT+7

Sốc văn hóa , không thể giao tiếp với người bản xứ… là những lý do khiến Phạm Trần Kiên (28 tuổi) gần như rơi vào trạng thái trầm cảm và chỉ muốn về Việt Nam sau nửa năm trải nghiệm 'giấc mơ' du học Mỹ hồi năm 2010.

Phạm Trần Kiên trong một giờ dạy tiếng Anh

nvcc

Từng rất ghét học tiếng Anh

Từ những năm đầu học THCS ở Việt Nam Phạm Trần Kiên đều có kết quả rất kém ở môn tiếng Anh. Theo lời Kiên, thời điểm 15 năm về trước Kiên không quá chú trọng đến môn tiếng Anh. "Nhớ lại khoảng tầm 15 năm trước, khi tôi vẫn còn là một cậu học sinh cấp 2, tiếng Anh nói chung và các bằng cấp học thuật như IELTS, TOEIC, SAT… nói riêng vẫn còn là một thứ gì đó rất xa xỉ với phần lớn các gia đình Việt. Trong trí nhớ của tôi, có 3 môn học được người Việt thời điểm đó coi là 3 môn đáng để đầu tư nhất là toán, lý, hoá, còn tiếng Anh vẫn được coi như một 'môn phụ'. Điều này thậm chí có thể cảm nhận được ngay trong các cuộc nói chuyện của gia đình, khi mình thường xuyên được các cô chú họ hàng khuyên nhủ rằng nên dành nhiều thời gian để ôm chặt những quyển sách toán, chứ không nên lên mạng xem những video tiếng Anh 'vô bổ'", Kiên nói.

Vỡ mộng khi du học Mỹ

Vì muốn đi du học mà Kiên đã quyết tâm học tiếng Anh. Sau thời gian dài ôn luyện, Kiên đạt được 6.5 IELTS và đi du học tại trường Trung học Morrisville-Eaton, New York, Mỹ vào năm 2010. Những tưởng tại đây Kiên sẽ được tận hưởng giấc mơ du học một cách trọn vẹn nhưng chàng thiếu niên ngày ấy không ngờ tới việc chuỗi ngày "đen tối" trên đất Mỹ bắt đầu.

Với thành tích 6.5 IELTS tại Việt Nam, Kiên khá tự tin với khả năng nói tiếng Anh. Tuy nhiên điều này không đủ để Kiên có thể giao tiếp tốt với người bản xứ. Tốc độ nói của người bản xứ rất nhanh khiến Kiên không thể bắt nhịp được khi sống trong môi trường nói tiếng Anh 100%. Thời gian đầu thay vì tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người Mỹ để dễ dàng hòa nhập với môi trường mới thì Kiên lựa chọn việc né tránh và tách biệt khỏi mọi người.

Đến Mỹ, Kiên sống với gia đình ba mẹ nuôi, nhưng thay vì kết nối với họ qua những bữa ăn hay các cuộc gặp gỡ vào cuối ngày thì Kiên lại giam mình trong phòng với chiếc máy tính hay chơi bóng rổ một mình. “Ở Mỹ mọi người thường có bữa ăn vào buổi sáng sớm và chia sẻ với nhau những câu chuyện vào thời gian này nhưng tôi lại thường xuyên né tránh bữa ăn này. Vào buổi sáng thường tôi rất khó có thể nói và đối đáp được bằng tiếng Anh, điều này thật sự rất kỳ lạ”, Kiên kể lại.

Phạm Trần Kiên hồi còn là du học sinh ở Mỹ

NVCC

Sau này khi đã học chuyên sâu về ngôn ngữ, Kiên biết được rằng buổi sáng sớm thường là thời điểm khó nhất trong ngày để có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, lý do đơn giản là vì khi đó não bộ vẫn chưa hoàn toàn tỉnh giấc. Và nó sẽ có xu hướng “bắt” chúng ta làm những điều mà cơ thể thấy thoải mái nhất, ví dụ như: ngủ tiếp hay trong việc giao tiếp sẽ có xu hướng suy nghĩ và chỉ muốn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.

Nhận thấy điều bất thường ở Kiên, gia đình ba mẹ nuôi đã trò chuyện và giúp đỡ anh vượt qua giai đoạn khó khăn. Tự cảm thấy cuộc sống của bản thân ngày càng nhàm chán và dần rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn khi không thể nói chuyện với bạn bè ở Mỹ, cũng không thể gọi về nhà vì sợ gia đình lo lắng, Kiên quyết tâm thay đổi, mở lòng và chủ động hơn trong giao tiếp.

Sau mỗi buổi học thay vì chạy về phòng ôm máy tính như trước, anh đã chủ động phụ bố nuôi sửa ô tô, ngồi vào bàn ăn cùng gia đình mỗi buổi tối. Kiên chủ động bắt chuyện với những đứa trẻ ven đường và nhận ra mình đang giao tiếp bằng những từng vựng khá “già nua”và không phù hợp với lứa tuổi teen của Kiên ngày ấy.

“Khi muốn bắt đầu với một ngôn ngữ mới bạn nên quan tâm việc nghe nói, giao tiếp, trước khi tập trung vào ngữ pháp. Vì phần ngữ pháp khá khô khan gây cảm giác chán nản, làm mất động lực học tập. Hãy tìm cách nói chuyện với người bản xứ thông qua các ứng dụng trên internet. Chấp nhận việc mình sẽ sai, sai càng nhiều thì càng rút được nhiều kinh nghiệm” Kiên chia sẻ “bí kíp” học ngôn ngữ đến người trẻ.

Phải mất 6 tháng Kiên mới có thể hòa nhập với môi trường sống mới và bắt nhịp được với bạn bè ở Mỹ. Sau những trải nghiệm của mình, Kiên đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ có ý định đi du học. “Các bạn phải tự nhận thức được rằng môi trường sống đã thay đổi, điển hình là cách giao tiếp, tiếp cận vấn đề. Ví dụ phong cách nói chuyện của người Mỹ sẽ không bao giờ hỏi về đời tư, mối quan hệ tình cảm cá nhân, thu nhập… Nên chủ động trong việc tiếp cận với những mối quan hệ mới, không thể chờ người khác bắt chuyện. Tìm hiểu trước về văn hóa, phong tục tập quán, trang bị kiến thức về xã hội ở nơi bạn đến du học vì ngôn ngữ đôi khi chỉ là phương tiện”, Kiên chia sẻ.

Mất 2 năm học kinh tế trước khi nhận ra niềm đam mê thật sự

Những môn tự nhiên chưa bao giờ là thế mạnh của Kiên khi ở Việt Nam, tuy nhiên anh lại nằm trong nhóm những học sinh giỏi môn toán nhất trường khi du học. Sau 6 tháng, việc giao tiếp được cải thiện đáng kể thì Kiên lại tập trung vào học toán và giải trước bài tập trên lớp mà bỏ qua nhiều hoạt động hội nhóm, câu lạc bộ khiến cơ hội tiếp cận với mọi thứ xung quanh dần thu hẹp.

Phạm Trần Kiên thường xuyên viết blog chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, du học, định hướng cho giới trẻ những kỹ năng học tập

nvcc

Tốt nghiệp trung học loại giỏi với GPA 3.6/4.0, Kiên giành học bổng vào đại học Wisconsin-Superior vào năm 2012. Lúc bấy giờ Kiên chọn học ngành kinh tế vì chạy theo số đông mà không phải bắt nguồn từ sự yêu thích. Kiên tự nhận mình không giỏi về những con số mà chỉ dựa vào những kiến thức nâng cao đã được học trước khi còn ở Việt Nam để đạt được điểm số cao. Kiên phải mất tận 2 năm để nhận ra bản thân không phù hợp với kinh tế mà nhạy bén với ngôn ngữ và đam mê công tác giảng dạy. Năm 2014 anh chuyển sang chuyên ngành về giáo dục.

Tốt nghiệp ngành giáo dục tại ĐH Wisconsin-Superior, Kiên trở về Việt Nam giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Năm 2018, Kiên tiếp tục sang Úc học thạc sĩ ngành giảng dạy ngôn ngữ tại Đại học Canberra. Hiện tại, Kiên đã trở về Hà Nội giảng dạy tiếng Anh tự do và định hướng, chuẩn bị tư duy cùng kỹ năng học tập cho những ai có dự định đi du học.

Để vượt qua được những khó khăn và đạt được những thành tựu như hiện tại, Kiên đã phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện bản thân. Ngoài việc giảng dạy, Kiên còn viết blog chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, du học, định hướng cho giới trẻ những kỹ năng học tập để nâng cấp bản thân một cách hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.