Từ đứa trẻ tha hương tới giáo sư lập ngành Việt Nam học tại Mỹ

23/01/2023 06:05 GMT+7

'Tôi yêu Việt Nam ngay khi chạm chân tới mảnh đất này', GS Nguyễn Thị Liên Hằng (Đại học Columbia, New York, Mỹ) nói khi tôi hỏi về lần đầu tiên bà trở lại Việt Nam vào năm 1994 khi đang là cô sinh viên 19 tuổi.

“Tại sao Việt Nam”

“Tôi lớn lên trong một gia đình rất thuần Việt. Anh chị em tôi không được phép nói tiếng Anh ở nhà. Ba mẹ vẫn nấu những món ăn Việt Nam mỗi tối. Chúng tôi còn trồng tre quanh sân nhà. Và anh biết đấy, khi trở lại Việt Nam, tôi cảm thấy được chào đón, thân thuộc như được trở về nhà”, GS Liên Hằng chia sẻ.

Năm 1975, khi tròn 5 tháng tuổi, Nguyễn Thị Liên Hằng cùng gia đình rời khỏi Việt Nam. Sau một thời gian dài, gia đình 9 người con của ba mẹ Hằng mới ổn định cuộc sống ở khu ngoại ô thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania (Mỹ). Những thắc mắc cùng những chuyện được kể lại trong năm tháng tuổi thơ đã thôi thúc cô hiểu nhiều hơn về lịch sử cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Cô gái Việt Nam lớn lên trên đất Mỹ đã chọn ngành lịch sử tại Đại học Pennsylvania để tìm câu trả lời cho bản thân.

Tháng 9.2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập cho GS Nguyễn Thị Liên Hằng và ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia, New York

GIA HÂN

Sự trùng hợp thú vị là khi Nguyễn Thị Liên Hằng theo học đại học cũng là thời điểm Mỹ và Việt Nam bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ. Sau lần đầu tiên trở lại Việt Nam, 4 năm sau, Nguyễn Thị Liên Hằng dành 1 năm để nghiên cứu. Sau đó, bà cố gắng trở lại Việt Nam mỗi năm để đọc, tìm hiểu và viết về lịch sử cũng như tương lai hòa bình, hợp tác giữa hai nước.

Khi bắt đầu làm tiến sĩ tại Đại học Yale, chuyên ngành của bà Hằng là lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ chứ không phải lịch sử Việt Nam hiện đại. Điều đó đã mở rộng mối quan tâm của bà đối với Việt Nam, không chỉ là lịch sử chiến tranh. GS Liên Hằng cho rằng câu hỏi “Tại sao Việt Nam” mà Archimedes Patti sử dụng làm tiêu đề cho cuốn sách nổi tiếng của mình có thể được dùng theo nhiều nghĩa ngoài chiến tranh.

“Tại sao Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, vượt qua Thái Lan để trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á? Tại sao Việt Nam có thể trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc? Rất nhiều người muốn biết vì sao Việt Nam lại trở thành một cường quốc khu vực quan trọng như vậy?”, GS Liên Hằng chia sẻ.

Số một về Việt Nam học tại Mỹ

Chứng kiến hòa giải giữa hai nước Việt - Mỹ, sự thôi thúc tự thân khiến GS Liên Hằng nghĩ tới việc làm điều gì đó để kết nối cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và người dân trong nước. Cơ hội đến vào năm 2016, bà được tuyển dụng làm phó giáo sư làm việc tại Khoa Lịch sử, Đại học Columbia về lịch sử Mỹ tại Đông Á.

Tại đây, GS Liên Hằng gặp GS John Phan thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Đông Á của trường. Năm 2017, hai giáo sư ở 2 khoa khác nhau quyết định cùng nhau lập ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia với 2 học phần về lịch sử văn minh Việt Nam kéo dài trong suốt 1 năm học. “Chúng tôi không chỉ nói về những cuộc chiến. Chương trình của chúng tôi bao quát cả tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ chính trị, xã hội, cho tới văn hóa, văn minh của Việt Nam”, GS Liên Hằng cho biết.

GS Nguyễn Thị Liên Hằng

Ngọc Thắng

Một năm sau, họ có thêm 2 cộng sự để mở rộng ngành Việt Nam học với chương trình tiếng Việt ở cả 4 cấp độ tại Đại học Columbia là Chung Nguyễn và TS Nguyễn Quốc Vinh. Bà Chung Nguyễn, người phụ trách chương trình tiếng Việt, cho biết các khóa nội dung do GS Liên Hằng và John Phan phụ trách đều rất đông sinh viên đăng ký. Sĩ số luôn ở mức 90 - 100 học viên, trong khi trường chỉ cho phép số lượng sinh viên tối đa mỗi lớp là 75 người. “Luôn có danh sách sinh viên chờ để xin vào lớp. Như học kỳ này thầy John Phan có xin trường tăng sĩ số lớp lên 100 nhưng trường không đồng ý vì phòng học không đủ chỗ”, bà Chung Nguyễn nói.

GS Liên Hằng cho biết các sinh viên đến với lớp Việt Nam học không chỉ là người gốc Việt. Rất nhiều sinh viên người Mỹ, thậm chí đến từ nhiều quốc gia khác. “Họ quan tâm đến Việt Nam sau chiến tranh, những thứ giờ đây không còn liên quan tới cuộc chiến. Nhiều sinh viên Mỹ muốn tìm hiểu về Việt Nam để có thể du lịch, hay thậm chí làm việc”, bà Hằng nói.

TS Nguyễn Quốc Vinh, giảng viên tiếng Việt nâng cao dành cho các nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia, cho biết: “Đại học Columbia muốn tập trung đào tạo lớp học giả trẻ về Việt Nam học nhằm lấp “khoảng trống” thế hệ về Việt Nam học ở khu vực bờ đông nước Mỹ. Theo TS Vinh, ở nhiều trường đại học Mỹ, ngành Việt Nam học thường chỉ có vài giáo sư, 1 người phụ trách khóa học nội dung và 1 người về ngôn ngữ, nhưng ở Đại học Columbia thì có tới 2 giáo sư là chị Liên Hằng và GS John Phan, với 2 khóa học chuyên sâu về lịch sử, văn hóa Việt Nam”. TS Vinh cũng chia sẻ thêm từ 2017 tới nay, đã có 2 tiến sĩ (1 người Việt Nam, 1 người Mỹ) và 3 thạc sĩ Việt Nam học đã tốt nghiệp từ Đại học Columbia.

Những nỗ lực của nhóm GS Nguyễn Thị Liên Hằng tại Đại học Columbia được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Trong các chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 9.2021) và Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 5.2022) với trí thức, kiều bào Việt Nam tại Mỹ, GS Liên Hằng và nhóm của bà đều được mời tham dự. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn tặng GS Liên Hằng cùng ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia bộ Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập.

Tôi gặp lại GS Liên Hằng khi bà cùng các đồng nghiệp của mình trở lại Việt Nam vào những ngày đầu thu Hà Nội - nơi bà nói đặc biệt yêu thích bởi không khí cổ kính vẫn được lưu giữ, để tổ chức gặp gỡ các trường đại học đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia. Cuộc hội thảo với nhiều biên bản ghi nhớ giữa Đại học Columbia và các trường đối tác tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội để các học giả Việt Nam qua Columbia học tập, nghiên cứu cũng như đưa sinh viên từ Columbia về học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi kết thúc ngay trước cuộc hội thảo khi hai cô con gái của GS Liên Hằng bước vào và chào mọi người bằng tiếng Việt. Bà nói chúng được dạy để nói và hiểu tiếng Việt từ nhỏ giống như bà, theo bà về Việt Nam mỗi năm và mỗi khi được hỏi, chúng vẫn nói mình là người Việt Nam...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.