“Kịch bản" giống hệt tai nạn làm xôn xao dư luận Hà Nội 3 năm trước, khi một em học sinh ở Q.Hoàng Mai cũng mất mạng tương tự.
Thế nhưng, cái chết oan ức của người đàn ông 61 tuổi ở Đồng Nai lần này không gợi lên một gợn sóng trong dư luận, khác hẳn với cách đây 3 năm. Năm đó, báo chí tốn biết bao là giấy mực. Dư luận cũng tốn biết bao là nước bọt tranh luận, thậm chí mạt sát nhau; để lên án người lái xe tôn, rồi lại để thương cảm cho hoàn cảnh mưu sinh khốn khó của người này; để lo sợ về những cái chết bất thình lình trên đường phố; để giành phần thông tuệ hơn, nhân văn hơn...
tin liên quan
Va chạm xe chở tôn, người đi xe máy bị cắt vào cổ, tử vongCũng như sau mỗi năm bao nhiêu đợt cao điểm về an toàn giao thông, tai nạn vẫn tai nạn, người chết vẫn chết. Lần đầu tai nạn chết 2 người là thảm khốc, lần tiếp theo 5 người, tiếp đó nữa 10, 15 thì người mới làm dư luận hoảng loạn, dư luận bàn tán, rồi thì cơ quan chức năng lại chỉ đạo, lại rà soát... cho đến khi có một “thảm khốc” mới.
Cũng như sau một chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, ta bước ra cửa thấy thoáng đãng được dăm bữa, đến khi chiến dịch kết thúc. Như chiến dịch dọn rác nơi công cộng, thì góc phố sạch được từ tối nay đến sáng mai...
Chiến dịch tuy ngày càng nhiều, nhưng tuổi thọ của chiến dịch ngắn dần theo sự chú ý của đám đông. Thế nên, biết bao nhiêu chiến dịch đã qua mà chẳng chắt lọc được những tốt đẹp, chẳng dọn dẹp được hết những xấu xa.
Thay đổi có thể đến từ một cơn hứng khởi nhất thời, nhưng không bao giờ được nuôi dưỡng bởi đám đông. Giải pháp quản trị quốc gia không thể đến sau từng cơn phẫn nộ của dư luận, xoa dịu nó và coi như công việc đã hoàn thành. Chính quyền có nhiệm kỳ hàng chục ngàn giờ không phải để chạy theo dư luận “đánh trống bỏ dùi” như vậy.
Cũng như, dân số VN có hơn 90 triệu người, nhưng không phải để lặp đi lặp lại những cái chết lãng xẹt bởi một tai họa được báo trước. Quốc gia có hàng ngàn năm, nhưng không phải để ngã đi ngã lại ở một ổ gà không bao giờ được vá.
Bình luận (0)