Tư duy mới, động lực mới cho ASEAN

Mai Hà
(từ Vientiane, Lào)
10/10/2024 06:10 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới.

THÚC ĐẨY HẠ TẦNG CHẤT LƯỢNG CAO

Sáng 9.10, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 chính thức khai mạc tại thủ đô Vientiane (Lào). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cho biết ASEAN hiện là mái nhà chung của hơn 700 triệu dân, là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 trên thế giới, dự báo vươn lên vị trí thứ 4 thế giới năm 2030. Với việc Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ trong tương lai gần, ASEAN sẽ hội tụ tất cả các quốc gia Đông Nam Á, mở ra cơ hội hợp tác mới với các đối tác.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến sự ủng hộ của các nước ASEAN trong công tác khắc phục hậu quả bão Yagi - minh chứng của tình đoàn kết, tương thân tương ái, "một người vì mọi người, mọi người vì một người" tiếp tục là giá trị cốt lõi và cội nguồn sức mạnh của ASEAN.

Theo Thủ tướng, bối cảnh thế giới ngày càng biến động, về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Trong cục diện nhiều thử thách đó, ASEAN tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác, và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn… đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực.

Tư duy mới, động lực mới cho ASEAN- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN

ẢNH: NHẬT BẮC

Bày tỏ nhất trí với chủ đề ASEAN 2024 là "Thúc đẩy kết nối và tự cường", Thủ tướng đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt. Về định hướng hợp tác thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ VN nhấn mạnh "tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức". Theo đó, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, kiên định các chuẩn mực ứng xử và kiên trì lập trường nguyên tắc của khối trong các vấn đề quốc tế, khu vực.

ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường, phát huy nguồn lực nội sinh để giữ vững ổn định chiến lược bên trong và phản ứng chiến lược kịp thời trước các rủi ro bên ngoài. Việc Timor-Leste sớm trở thành thành viên sẽ tiếp thêm sức mạnh tự cường cho ASEAN và khu vực. Giữ vững vai trò trung tâm, độc lập, cân bằng và ứng xử có nguyên tắc trong triển khai quan hệ đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, thực chất và cùng có lợi.

Cạnh đó, thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược cho ASEAN. Thúc đẩy đầu tư cho các công trình hạ tầng chất lượng cao, nhất là hạ tầng chiến lược "cứng" và "mềm", khuyến khích sự tham gia hợp tác của bên thứ ba. Cần thúc đẩy hài hòa hóa thể chế, tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. ASEAN cần thúc đẩy kết nối con người, giao lưu nhân dân, tạo thuận lợi hơn nữa cho đi lại của người dân, doanh nhân, và người lao động.

KÊU GỌI CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, XUNG ĐỘT

Cùng ngày, tham dự phiên họp hẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của thúc đẩy kết nối và tự cường, chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Tăng cường năng lực của ASEAN để tự tin nắm bắt các cơ hội và tự cường vượt qua thách thức.

Thủ tướng nhấn mạnh dù hòa bình là xu hướng lớn, nhưng xung đột và chiến tranh cục bộ vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng tới tất cả các nước trên thế giới. Trong đó gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, tăng chi phí nguyên liệu, năng lượng và vận tải. ASEAN cần đoàn kết, phát huy tiếng nói chung kêu gọi chấm dứt chiến tranh, xung đột và tìm kiếm các giải pháp mang lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề Biển Đông, người đứng đầu Chính phủ VN nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, đề nghị các bên tôn trọng lợi ích và quyền chủ quyền của các nước có liên quan. Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến giao thông vận tải quan trọng hàng đầu, chiếm 60% lưu lượng hàng hóa trên thế giới và có tác động tới tất cả các nước, nhất là các nước trong khu vực.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nước thành viên ASEAN cùng đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm và lập trường chung về Biển Đông. Về Myanmar, bày tỏ tán thành nhiều giải pháp được các nước đưa ra, Thủ tướng khẳng định giải pháp cho Myanmar phải do nhân dân Myanmar quyết định. Các bên liên quan tại Myanmar cần đối thoại, đàm phán để chấm dứt xung đột, không để ảnh hưởng đến người dân cũng như gây ra các hệ lụy về an ninh đối với khu vực, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, lừa đảo trực tuyến…

Trong các nỗ lực đó, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm. Đây cũng chính là những giá trị đã làm nên thành công và uy tín của ASEAN, đưa ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, trở thành tâm điểm của hòa bình và hợp tác.

Tăng cường hợp tác chiến lược VN - Campuchia - Lào

Sáng 9.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã có buổi ăn sáng kết hợp làm việc. Ba thủ tướng nhấn mạnh truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa VN - Campuchia - Lào là tài sản quý giá, là nền tảng phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đoàn kết, gắn bó giữa ba nước.

Ba nước nhất trí phối hợp tổ chức tốt cuộc gặp giữa lãnh đạo ba Đảng thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm an ninh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước; duy trì thường xuyên tiếp xúc song phương và ba bên ở cấp cao và các cấp, các ngành; tăng cường giao lưu giữa lãnh đạo trẻ và thanh niên. Hợp tác phát triển kinh tế, thương mại cần có những bước đột phá chiến lược để tương xứng với tầm vóc quan hệ chính trị và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Ba bên nhất trí chung tay tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự ở khu vực biên giới, đặc biệt là vùng tiếp giáp ba nước. Thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực biên giới, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, liên kết kinh tế giữa ba nước, tạo thuận lợi tối đa cho giao lưu, hợp tác về mọi mặt giữa ba nước nói chung và các tỉnh biên giới nói riêng. Các Thủ tướng nhất trí duy trì nguyên tắc không cho phép các lực lượng thù địch sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh của nước kia. Tổ chức tốt cuộc gặp thường niên giữa Bộ trưởng Quốc phòng ba nước và Hội nghị Bộ trưởng Campuchia - Lào - VN về phòng chống tội phạm.

Tư duy mới, động lực mới cho ASEAN- Ảnh 2.

Ba Thủ tướng VN - Lào - Campuchia

ẢNH: NHẬT BẮC

Chiều ngày 9.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN - BAC) và Thanh niên ASEAN. Tại đối thoại Thanh niên ASEAN, các đại diện bày tỏ mong muốn được tham gia và đóng góp cho tiến trình xây dựng cộng đồng, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần trách nhiệm công dân trong giới trẻ.

VN cùng các nước nhấn mạnh thanh niên là lực lượng to lớn, tài sản quý giá và niềm hy vọng của tương lai khu vực. Văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh tương lai của LHQ tháng 9 vừa qua cũng nhấn mạnh: "Sự tham gia đầy đủ, hiệu quả, an toàn và có ý nghĩa của thanh niên là thiết yếu để duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.