Cùng với đó, nông dân cũng biết phát huy lợi thế đặc thù đất đai bằng cách phát triển nhiều loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận không nhỏ như hồ tiêu, điều, ngô, chanh dây, sầu riêng…
Song, vì lý do khách quan và cả chủ quan, giá trị của các loại cây trồng dài ngày ấy cũng có hồi bĩ cực. Đấy là giá cao su, hồ tiêu, cà phê lao dốc trong nhiều năm nay khiến nông dân lâm cảnh khó khăn và thậm chí sạt nghiệp khi tiêu chết hàng loạt, rớt giá. Trước đó, nhiều người dân đã chặt bỏ nhiều vườn cà phê để phát triển hồ tiêu, chanh dây, sầu riêng khi các loại cây này cho giá trị cao.
Niên vụ này, sau hơn 7 năm xuống dốc thì giá cà phê quay đầu trở lại mạnh mẽ. Tây nguyên, nơi có vùng chuyên canh cà phê lớn nhất VN với trên dưới 500.000 ha, như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, khi giá cà phê lên đến suýt soát 65 triệu đồng/tấn nhân xô. Nhiều nông dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai… đã quay trở lại trồng cà phê. Điệp khúc trồng - chặt, chặt - trồng tái diễn!
Đó cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá cây cà phê giống tăng cao, từ 3.000 - 4.000 đồng đã tăng lên 8.000 - 8.500 đồng/cây giống trong mùa xuống giống này. Với mật độ khoảng 1.300 - 2.600 cây/ha tùy cách trồng, chỉ riêng tiền giống cũng đã tốn kha khá đối với nhà nông. Và hơn nữa, loại cây này phải đến năm thứ 4 mới bắt đầu cho năng suất ổn định. Đây là thời gian khá dài trong tương quan về biến động giá trên thị trường.
Dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhưng hơn ai hết, nông dân nên cẩn trọng để không bị tự mình buộc mình giữa "ma trận" cây trồng.
Cà phê là một sản phẩm truyền thống, mang thương hiệu của vùng đất cao nguyên. Bởi vậy, cần phải có chiến lược để phát huy lợi thế từ thổ nhưỡng, khí hậu. Ấy cũng là tư duy thông thái của nhà nông trong thời đại công nghệ cao, của khoa học kỹ thuật trong canh tác, tăng giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích trồng.
Bình luận (0)