‘Từ gas đến xăng… cái gì cũng tăng sao chịu nổi’

02/03/2022 15:25 GMT+7

Sau tết 2022, vật giá leo thang, từ xăng, gas, thức ăn… khiến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt các lao động trẻ, thêm chật vật.

Người mua, người bán đều lo lắng

Sau 18 giờ, chị Nguyễn Thị Tiên, 28 tuổi, quê Bến Tre lủi thủi trong căn bếp nhỏ ở phòng trọ tại hẻm 80 đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) để chuẩn bị bữa cơm tối. Từ khi trở lại TP.HCM làm việc vào giữa tháng 2, chị phải chắt chiu từng đồng vì sợ không may lại... thất nghiệp suốt 6 tháng liền như trước vì dịch Covid-19.

Góc bếp nhỏ của chị Tiên

nvcc

Chị Tiên ít ăn ngoài hàng quán vì muốn một tay mình nấu bữa cơm vừa miệng cũng như tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, từ khi trở lại TP.HCM làm việc chị thấy mọi thứ đều tăng giá.

Chị Tiên chia sẻ: “Buổi sáng, tôi đi làm sớm nên không kịp nấu cơm. Trưa hay ở lại nơi làm mua cơm hộp ăn đỡ, chiều về thì ghé ngang chợ mua trứng, một vài con cá, miếng thịt nhỏ về chế biến. Tôi dùng bếp gas mini nấu cho tiện, như thế đồ ăn lại ngon hơn. Nhưng giờ gas lại lên giá nữa, trước đó một bình có 9.000 đồng nay lên 11.000 đồng rồi. Tôi cũng từng có ý định mua bếp điện từ nhưng giá khá cao, gần cả triệu đồng, chưa kể phải mua thêm các loại nồi, xoong cho phù hợp... với giá không hề rẻ. Còn bếp gas thì không kén chọn, dễ điều chỉnh lửa to, nhỏ khi nấu”.

Thở dài, cô gái 28 tuổi tiếp tục nói: “Từ gas đến xăng... cái gì cũng tăng sao chịu nổi. Đi chợ thì hàng hóa lên giá, đồ ăn, thức uống ở hàng quán thì không giảm. Để tiết kiệm, tôi hay về nhà làm đồ ăn nhưng giờ gas cũng lên, nhiều khi cũng bất lực không biết làm sao ngoài việc thắt chặt chi tiêu của bản thân”.

Nói về việc giá gas lên, chị Lương Thị Nhi, 32 tuổi, chủ quán chè bưởi tại số 66A Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM, cho hay chị có 3 chi nhánh. Mỗi tháng quán nấu hết khoảng 10 bình gas loại 12kg/bình.

Chị Nhi cho hay việc gas lên giá cao khiến quán của chị cũng phải điều chỉnh giá bán

nvcc

Do quán chị Nhi mua gas theo giá sỉ nên hiện nay mỗi tháng mất hơn 4 triệu đồng tiền gas. "Giá gas tăng liên tiếp trong mấy tháng gần đây kể từ mức thấp nhất theo giá sỉ là 290.000 đồng/bình (tháng 5-7.2021) đến giờ tầm 460.000 đồng/bình (giá sỉ thường rẻ hơn tầm 60.000-70.000 đồng so với giá bán lẻ), tăng hơn 50% trong 6 tháng kèm theo các chi phí nguyên vật liệu khác cũng tăng, buộc quán phải điều chỉnh giá bán", chị Nhi thông tin.

Gas lên giá làm quán chị Nhi bị ảnh hưởng không ít đến doanh thu

t.đ

“Giá gas tăng làm ảnh hưởng đến doanh thu của quán khá nhiều. Vì đặc thù của sản phẩm phù hợp với bếp gas là nóng nhanh nên quán vẫn phải dùng gas chứ không thể thay thế loại bếp khác”, chị Nhi nói.

Chủ xe khách “lòng như lửa đốt” vì giá xăng dầu tăng mãi không ngừng

Gánh nặng tài chính nặng hơn gấp bội

Không chỉ có gas tăng, nhiều ngày qua giá xăng cũng lên giá khiến cuộc sống của một số người trẻ gặp không ít khó khăn.

Anh Lê Hoàng Trọng, 27 tuổi, trọ trong hẻm 163 Thành Thái (Q.10, TP.HCM) cho hay những ngày qua, anh hạn chế mua thức ăn lặt vặt và những thứ chưa cấp bách.

"Từ khi trở lại TP.HCM sau tết 2022, tôi có tâm lý hạn chế ra đường, cảm thấy gánh nặng tài chính càng nặng hơn gấp bội khi giá xăng tăng liên tục. Đồ ăn lên giá đều đều cũng khiến tôi đắn đo khi ăn bên ngoài hơn, cố gắng nấu ăn ở nhà để tiết kiệm phần nào", anh Trọng chia sẻ.

Giá xăng tăng liên tục

tấn đạt

Còn Lê Thị Ánh Tuyết, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay từ khi vào TP.HCM để học trực tiếp vào tháng 2.2022, hầu hết các hàng quán mà Tuyết Anh thường ghé ăn đều lên giá từ 5.000 - 10.000 đồng.

"Ở thời điểm trước dịch, em thường ăn bún bò ở quán gần nhà, lúc ấy tô bún bình thường giá chỉ 30.000 đồng nhưng sau tết 2022 là 35.000 - 40.000 đồng. Vì vậy, thay vì ăn bún bò 2-3 lần/tuần như trước kia, bây giờ em ăn ít lại vì tiền chi tiêu cho một tháng vẫn vậy mà giá đồ ăn lại đắt hơn", Tuyết kể lại.

Xăng và gas tăng giá, mọi thứ cũng lên giá theo

t.đ

Ánh Tuyết vừa học vừa đi làm thêm, khoảng cách từ trường đến chỗ làm thêm là 13 km. Tuyết đổ khoảng 50.000 đồng xăng nhưng chỉ đi được 4 ngày là nhiều.

"Việc các hàng quán lên giá đồ ăn, xăng tăng mạnh... dẫn đến chi phí một tháng ở TP.HCM của em tăng khá nhiều so với trước đợt dịch lần thứ 4. Mấy ngày nay, đồ ăn được mẹ gửi từ quê vào nên tiết kiệm được chi phí đi chợ. Em chăm nấu ăn tại nhà trọ, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết. Thay vì đi xe máy, em thường đi bộ cho quãng đường ngắn và xe buýt cho quãng đường dài đồng thời hạn chế đi chơi và tiêu vặt", Tuyết chia sẻ.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 1.3 giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12.2021 đến nay. Như vậy, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000 đồng một lít.

So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 4.030 đồng; E5 RON 92 là 3.990 đồng, dầu diesel đắt hơn 3.980 đồng; dầu hoả 3.650 đồng và dầu mazut thêm 2.720 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.