Quyết định hợp đạo lý
Ngôi nhà 114 Mai Thúc Loan, Huế vốn là tư gia của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, là cố nội của ông Trần Đình Sơn. Sau năm 1975 ngôi nhà được nhà nước sử dụng làm công sở, cửa hàng mậu dịch và khai thác du lịch…
|
Qua thời gian sử dụng với nhiều giai đoạn và công năng khác nhau, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình ông Trần Đình Sơn cũng đã có nhiều đơn thư bày tỏ nguyện vọng được xin nhận lại ngôi nhà để trùng tu và xây dựng thành một nơi trưng bày cổ vật cung đình thời Nguyễn. Báo Thanh Niên cũng có bài viết đề đạt tâm nguyện chính đáng này của gia đình ông Sơn.
Ngày 20.6.2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao ký quyết định cho phép thành lập Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn tại ngay ngôi nhà 114 Mai Thúc Loan. Có thể nói đây là một quyết định hợp đạo lý trong ứng xử văn hóa đối với ngôi nhà. Từ quyết định này, những cổ vật cung đình Huế, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đã thất lạc qua nhiều thời kỳ lịch sử, được ông Trần Đình Sơn sưu tập đã có dịp để “châu về hợp phố”. Tại buổi khởi công công trình, ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã nói: “Có bảo tàng này cũng có nghĩa là Huế sẽ vun dày thêm gia tài di sản văn hóa của mình. Xin chúc mừng ông Trần Đình Sơn và cũng chúc mừng cho Huế”.
Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Huế
Sau khi được cho phép thành lập bảo tàng ngay trên ngôi nhà của tổ tiên, ông Sơn đã bỏ ra 4 tỉ đồng để tu bổ, trùng tu ngôi nhà. Công trình do Công ty kiến trúc cổ An Khang (TP.Huế) thực hiện trùng tu, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3.2013 đưa vào phục vụ du khách trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế.
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ông Trần Đình Sơn đứng ra thành lập. Ông Sơn là người nghiên cứu và sưu tập về đồ sứ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, hiện đang sở hữu bộ sưu tập cổ vật lớn về cổ vật phục vụ ẩm thực, đồ ký kiểu, pháp lam... đã có nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước.
Ông Trần Đình Sơn cho biết sau khi trùng tu ngôi nhà ông sẽ chuyển các bộ sưu tập cổ vật gốm, đồ sứ từng phục vụ tại kinh đô triều Nguyễn và những dụng cụ của cư dân bản địa về đây để phát huy giá trị mỹ thuật Huế và phục vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Sau đó, ông sẽ bổ sung thêm các bộ sưu tập gốm sứ VN từ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn do mình sưu tập được để trưng bày tại bảo tàng.
Bùi Ngọc Long
>> Người trẻ thiết kế Bảo tàng biển đảo khẳng định chủ quyền quốc gia
>> Bảo tàng tư nhân, giao lưu quốc tế
>> Đưa hòn đá bị nhốt về trưng bày ở bảo tàng
>> Học lịch sử ở bảo tàng
>> Bất cập ở Bảo tàng Điện Bàn
>> Chiêm ngưỡng cổ vật quý lần đầu công bố tại Bảo tàng Nam Định
>> Bảo tàng nhỏ, tầm nhìn lớn
>> Học" cải lương tại bảo tàng
>> Bảo tàng xác ướp
>> Sẽ có Bảo tàng Võ Nguyên Giáp
Bình luận (0)