Thế mới biết, “lính Trường Sa” không chỉ có trong lòng của toàn dân tộc mà còn là một danh hiệu không cần bàn cãi, là sự kiêu hãnh cho cả một gia đình, một dòng tộc trước làng nước.
Trường Sa không xa
Lặng nhìn về phía rặng phi lao đang xao xác đón cơn gió đông lạnh căm của xứ biển, ông đưa ánh mắt về phía tôi: “Mùa này ở Trường Sa chắc lạnh lắm, không biết Trà có mang đủ ấm không. Lo vậy nhưng để cháu yên tâm, qua điện thoại tôi luôn nói với cháu rằng: ba mẹ vẫn khỏe, người trong thôn hỏi thăm con nhiều lắm, con gắng giữ gìn sức khỏe để phụng sự Tổ quốc thật tốt”. Ông là Phan Sỹ Canh (71 tuổi), cha của chiến sĩ Phan Chí Trà (29 tuổi) hiện đang công tác tại đảo Song Tử Tây.
Vậy là đã 2 năm rồi thôn 8 (xã Triệu Vân, H.Triệu Phong, Quảng Trị) vắng anh Trà. Nhưng chẳng sao, bởi người dân trong thôn nhỏ này vẫn nhớ về một cậu nhóc hiếu động ngày nào giờ đã là lính đảo. Nhà Trà có 6 anh em, ai cũng đã có gia đình, chỉ riêng anh sau 5 năm rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 rồi xung phong về làm việc tại Hải quân vùng 4 để được thỏa ước mơ ra với đảo xa. Bà Lê Thị Mót (70 tuổi, mẹ anh) bảo rằng: “Thú thực là tui cũng đã từng đắn đo nhưng đó là ước mơ của cháu, lại là một ước mơ đáng tự hào”.
|
Đang dở dang câu chuyện, chợt chuông điện thoại reo lên, ánh mắt bà Mót như ngời sáng. Biết là con trai ngày nào cũng gọi điện thoại về nhưng với bà, mỗi lần được nói chuyện với con là khoảng thời gian bà rất hạnh phúc. “Mẹ khỏe không? Quê miềng chắc lạnh lắm hả mẹ?”, loa ngoài chiếc điện thoại vang lên giọng nói rắn rỏi của một chiến sĩ nơi phương xa. Bà Mót mắt rơm rớm: “Mẹ khỏe, quê miềng lạnh nhưng chắc không bằng ngoài đó? Con mặc áo đủ ấm nghe con”.
Cuộc đàm thoại xúc động giữa hai mẹ con từ đất liền với đảo kéo dài trong vài phút đủ để biết thông tin về nhau là vẫn khỏe. Qua cuộc gọi, tôi nghe rõ mồn một tiếng chú cún vẳng vẳng lẫn trong tiếng sóng, tạo một cảm giác gần gũi, thân thương đến kỳ lạ. Như cuộc chuyện trò với một ai đó cũng gần đây thôi, Trường Sa xa mà gần.
|
“Phải giữ lấy biển nghe con…”
Trời mưa, ít người đi đường nhưng để tìm ra nhà chiến sĩ Lê Hồng Quân (29 tuổi, lính đảo Song Tử Tây, quê thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, H.Gio Linh) thì không khó chút nào. Tạt vào một quán nhỏ bên đường mới biết, người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ không ai là không biết gia đình anh Quân. Họ xem đó là niềm tự hào lớn của cả làng khi có một người con là lính đảo Trường Sa.
Mình là dân biển phải giữ lấy biển chứ con |
||
Ông Nguyễn Văn Ngoan - bố của của thượng úy Nguyễn Thành Vũ (28 tuổi, công tác tại đảo Nam Yết) |
||
Anh Quân đi rồi, mọi công việc trong nhà đều do em trai anh là Lê Quang Huy (28 tuổi) quán xuyến. Việc nặng việc nhẹ đều đến tay anh nhưng chưa bao giờ anh phàn nàn về điều đó. Ngược lại, anh Huy luôn lấy đó là niềm tự hào lớn nhất, đi đâu và làm gì, anh cũng nghĩ về người anh trai đang ở nơi đầu sóng ngọn gió. “Làm gì cũng được, tôi sẽ lo hết việc nhà để anh trai không phải nghĩ ngợi, lo toan gì. Việc tôi làm ở quê so với anh trai ở ngoài đó bảo vệ biển đảo có bõ bèn gì”- Huy trải lòng.
Chúng tôi đến thăm nhà của thượng úy Nguyễn Thành Vũ (28 tuổi, công tác tại đảo Nam Yết) khi trời đã nhá nhem tối. Ông Nguyễn Văn Ngoan (53 tuổi, bố Vũ) thổ lộ: “Vũ là con trai thứ hai trong gia đình, cháu là một người rất chịu khó và học rất giỏi. Ngay từ khi còn nhỏ, khi đi biển với ông nội, cháu đã nói ước mơ một ngày được cầm súng bảo vệ biển đảo và quyết tâm thực hiện cho bằng được dù gia đình rất khó khăn”. Ngày Vũ cầm tờ thông báo nhập học tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, dân làng ai cũng vui mừng và họ càng vui mừng hơn khi biết làng Thái Lai này lại có thêm một chàng lính đảo. Lúc bịn rịn chia tay gia đình, ông Ngoan đã nắm chặt tay con mà nói rằng: “Ừ, con đi đi. Mình là dân biển phải giữ lấy biển chứ con”. Chúng tôi lại được gặp một người lính Trường Sa qua điện thoại, sĩ quan Nguyễn Thành Vũ đặc sệt giọng Quảng Trị, dõng dạc: “Báo cáo với anh, tôi vừa tuần tra về, tình hình rất ổn”.
Trong chiến tranh, Quảng Trị là vùng đất thép và nay Trường Sa, Hoàng Sa là vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, liệu có sự nối kết nào giữa 2 miền đất ấy, những con người nơi ấy. Có bà mẹ nào, người cha nào không lo cho con trước đầu sóng ngọn gió nhưng nói như thượng úy Nguyễn Thành Vũ: “Nhớ về cha mẹ già ở quê hương, tôi như được tiếp thêm sinh lực để vững tay súng đứng gác trước biển khơi…”.
Nguyễn Phúc - Nguyên Thọ
Bình luận (0)