Tự hào Việt Nam

07/05/2014 03:18 GMT+7

Bonjour, trong tiếng Pháp nghĩa là “Chào buổi sáng”. Nhưng cái buổi sáng ngày 8.5.1954 ấy, Thủ tướng Joseph Laniel chẳng “bonjour” với một ai khi ông lầm lũi bước rảo lên thềm trụ sở Quốc hội Pháp. Ông đến đây trong trọng trách chính thức thông báo trước các nghị sĩ và toàn thể nước Pháp cái điều mà người ta đã biết nhưng vẫn đang chờ đợi: Điện Biên Phủ vừa thất thủ lúc 17 giờ 30 ngày 7.5, giờ Đông Dương.

Bonjour, trong tiếng Pháp nghĩa là “Chào buổi sáng”. Nhưng cái buổi sáng ngày 8.5.1954 ấy, Thủ tướng Joseph Laniel chẳng “bonjour” với một ai khi ông lầm lũi bước rảo lên thềm trụ sở Quốc hội Pháp. Ông đến đây trong trọng trách chính thức thông báo trước các nghị sĩ và toàn thể nước Pháp cái điều mà người ta đã biết nhưng vẫn đang chờ đợi: Điện Biên Phủ vừa thất thủ lúc 17 giờ 30 ngày 7.5, giờ Đông Dương.

Cờ tam tài cùng lúc treo rủ trên nóc điện Elysée. Nước Pháp để tang Điện Biên Phủ.

Và trớ trêu thay cũng buổi sáng hôm đó tại Genève, theo chương trình đã định, các cường quốc lật qua vấn đề Triều Tiên để bắt đầu bàn đến giải pháp cho cuộc chiến Đông Dương. Người ta thấy Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault như đang phải ngậm đắng bước vào hội nghị với bộ đồ tang.

Những người thực dân ủ rũ nhưng cùng với nhân dân Việt Nam, cả thế giới đã reo mừng. Báo chí Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ cũng như báo chí tại các nước thuộc địa đều đưa đậm tin chiến thắng Điện Biên Phủ lên trang nhất. Người Madagascar nhảy múa trên đường. Người Morocco phấn khích tuyên bố sẽ đến lúc Casablanca trở thành Điện Biên Phủ của châu Phi. Tại Algeria, những món ăn ngon nhất đặt lên bàn được gọi là món “Điện Biên Phủ”. Và chính người dân nơi đây đã sáng tạo ra một động từ mới tiếng Pháp: “dienbienphuer” để chỉ cú đòn chí tử, hủy diệt.

Nhưng trên cả vui mừng, hiệu ứng đến từ Điện Biên Phủ mới là điều đáng nói. Hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp tưởng như vẫn giữ được sự cố kết từ sau chiến tranh thế giới thứ hai thì bây giờ rung lên bần bật. Chỉ vài tháng sau Điện Biên Phủ, người Algeria quyết noi gương Việt Nam cầm súng đứng lên kháng chiến. Các quốc gia dân tộc thuộc địa khác của Pháp: Morocco, Tunisia, Guinea vào những năm 1956, 1957 bằng phương thức đấu tranh chính trị đã kịp giành được độc lập để ngay sau đó ít năm, như một hiệu ứng domino không gì cản nổi, lần lượt Togo, Madagascar, Senegal, Burkina Faso, Benin (Dahomey), Cộng hòa Trung Phi, Cote d’Ivoire, Niger, Mali... bước lên diễn đàn các quốc gia tự do và độc lập, làm trắng hệ thống thuộc địa Pháp ở lục địa đen. Cũng bởi hiệu ứng đó, các thuộc địa của Anh, Bỉ, Bồ Đào Nga... đều chịu chung số phận.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều trận đánh làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia dân tộc, nhưng lịch sử cho đến lúc đó, và có lẽ cho đến tận hôm nay mới chỉ cho thấy một trận đánh duy nhất đã có thể thay đổi vận mệnh cả thế giới: Điện Biên Phủ - trận đánh mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho các dân tộc thuộc địa. Điều này không phải do chúng ta nói ra, mặc dù rất dễ nhận thấy từ vị trí một người quan sát khách quan.

Nguyên thủ một nước thuộc địa Pháp, Tổng thống Tunisia Habib Bourguiba từng nói: “Điện Biên Phủ là ngọn roi làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, và cũng là cái mốc của lịch sử loài người. Lần đầu tiên trong lịch sử đã có một sự kiện như vậy”. Tiến sĩ J.S.Grenville, nhà chính trị, nhà báo nổi tiếng, giảng viên của nhiều trường ĐH Anh, Mỹ có lẽ cũng cùng chung ý kiến đó khi ông nhận định Điện Biên Phủ là “một trận đánh làm thay đổi lịch sử” (dẫn History of the world in the twentieth, J.S. Grenville, Harper Collins, London, 1994). Diễn đạt có thể khác nhau, nhưng tất cả các từ điển lớn như Larousse (Pháp), Collins (Anh), Macmillan (Mỹ), Atlantic (Canada), Heinemann (Úc)... đều dành sự đánh giá tương tự trong từ mục nói về Điện Biên Phủ. Các tác giả còn nhấn mạnh khía cạnh đây là lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa, một nước nhược tiểu đánh bại quân đội của một cường quốc phương Tây trong một trận chiến quy ước (trận địa chiến).

Đối với đất nước chúng ta, Điện Biên Phủ đã ngay lập tức dẫn đến độc lập dân tộc, dù rằng vẫn còn phải mất 20 năm nữa trong một cuộc chiến tranh khác cho mục đích thống nhất Tổ quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh quân đội trong cả 2 cuộc chiến tranh ấy nhưng chỉ với một Điện Biên Phủ ông đã là tượng đài vĩnh viễn trong lòng dân tộc, trong lòng bạn bè quốc tế. Khi không còn lãnh đạo quân đội nữa, những thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước ông mới có dịp đi thăm các nước và ở những nơi ấy, đặc biệt là châu Phi và châu Mỹ La tinh, ông vẫn được đón tiếp như một nhà cầm quân vĩ đại. Biển người tràn đến bên ông với những tiếng hô liên tục theo nhịp phấn khích: “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”, “Giáp, Giáp, Giáp”... Xin được thắp lên trong dịp này nén hương tưởng nhớ Người!

Vũ Cao Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.