Một trong những thành tựu phải kể đến là việc anh giành học bổng khoa học công nghệ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài từ Vingroup trị giá khoảng 10 tỉ đồng. Hiện Đào Mạnh Trí (27 tuổi) là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Power Transformation Lab, ĐH California-San Diego (UCSD), Mỹ.
Đam mê toán bất tận
Từ nhỏ, cậu bé Trí đã tò mò và thích thú với những câu đố, bài toán độ khó cao. Cảm hứng, đam mê môn toán bất tận của Trí có được từ bố - người giỏi toán và được cử đi học tiến sĩ tại Liên Xô (cũ). Điều này giúp Trí luôn nỗ lực tìm tòi các ứng dụng của toán học trong thực tiễn.
Học hết phổ thông tại Singapore - nơi mà Trí đã giành học bổng toàn phần của chính phủ Singapore (học bổng A*STAR), Trí tiếp tục giành các học bổng vào ĐH, trong đó có ĐH Quốc gia Singapore… Tuy nhiên, anh đã chọn lựa học cử nhân ngành toán học tại ĐH Wooster, Mỹ. "Tôi có sự thôi thúc về nước Mỹ. Tôi không nghĩ nền giáo dục nào là hoàn hảo nhất, nhưng chúng ta nên trải nghiệm nhiều để xác định đâu là phù hợp nhất với mục tiêu của mình", Trí nói.
Có bằng cử nhân đầu tiên, anh tiếp tục lấy bằng cử nhân công nghệ môi trường của ĐH Drexel, Mỹ, sau đó nghiên cứu, nhận bằng thạc sĩ Kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ (hệ thống năng lượng), ĐH California, Mỹ năm 2023.
Toán học trở thành nền tảng hữu ích cho việc Trí học các môn khoa học tự nhiên và ngành công nghệ môi trường. Chủ nhân huy chương vàng Olympic toán châu Á-Thái Bình Dương (APMOPS) say mê khám phá thế giới tự nhiên, nhận diện các vấn đề môi trường nổi cộm và phát triển giải pháp. Sau này, Trí có thời gian thực tập tại Nyheim Plasma Institute, nơi được coi là cái nôi của ngành Plasma y học. Khoảng thời gian này càng giúp anh mở rộng góc nhìn về ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xã hội.
Học bổng tiến sĩ 10 tỉ đồng
Năm 2021 là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Trí khi anh giành suất học bổng khoa học công nghệ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài của Tập đoàn Vingroup theo học tại ĐH California-San Diego. Anh nhớ mình đã mở đầu bài luận với đoạn trích từ cuốn Mùa xuân câm lặng của Rachel Carson: "Thiên nhiên đã mang lại sự đa dạng tuyệt vời cho cảnh quan, nhưng con người lại luôn có xu hướng đơn giản hóa nó. Vì vậy, họ đã làm xáo trộn những cơ chế kiểm soát và cân bằng tự nhiên mà thiên nhiên sử dụng để giữ các loài sinh vật trong khuôn khổ nhất định".
Bài luận giúp anh giải thích cặn kẽ về đam mê và động lực để theo đuổi ngành học trong thời gian dài, vốn là một điều kiện cần thiết cho các chương trình tiến sĩ. Ngoài ra, nền tảng kiến thức khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu, khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách sáng tạo, hiệu quả đã chinh phục hội đồng xét tuyển học bổng.
Khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, Trí tập trung vào ngành năng lượng vì đây là một vấn đề trọng tâm, liên kết chặt chẽ với nhiều vấn đề môi trường khác. Từ năm 2021 đến nay, anh nghiên cứu các vấn đề trọng điểm trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, bao gồm quy hoạch năng lượng, chuyển dịch công bằng và an ninh năng lượng. Trí là chủ nhiệm đề tài "Mô hình quy hoạch năng lượng phát thải thấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đang gia tăng của Việt Nam".
Anh cũng trình bày các kết quả nghiên cứu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội kinh tế năng lượng Mỹ tại Texas (2022); Chicago (2023) và Hội nghị quốc tế ASEAN về năng lượng và môi trường (Indonesia), nơi anh nhận giải thưởng Diễn giả xuất sắc nhất trong phiên Chính sách và kinh tế xã hội...
Bước qua thách thức
Nếu nhìn bên ngoài, chỉ thấy Đào Mạnh Trí rất thành công với những thành tích. Vậy đâu là những khó khăn? Trí chân thành: "Có những lúc, tôi cảm thấy quá tải và không thể hoàn thành mọi thứ theo kỳ vọng của mình. Khi chúng ta đối diện với nhiều cơ hội quý giá, việc lựa chọn không hề dễ dàng...".
Anh kể lại một kỷ niệm đáng nhớ. Trong chuyến công tác tham dự Diễn đàn châu Âu Alpbach tại Áo, anh có dịp làm quen và trò chuyện cùng vợ chồng GS Joseph Stiglitz, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới và là nhà kinh tế học đạt giải thưởng Nobel. "Sau cuộc nói chuyện, tôi cảm thấy có động lực hơn, vì tôi tin rằng những thử thách ngày hôm nay sẽ đưa mình đi xa hơn trong tương lai".
Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Xa Việt Nam để du học từ trung học, làm việc, nghiên cứu tại các quốc gia phát triển, nhận được các lời mời làm việc từ các cơ sở nghiên cứu, quỹ đầu tư khí hậu... tại nước ngoài với những đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, Trí vẫn muốn trở về Việt Nam.
Anh tâm sự trong một ngày đầu năm 2024: "Tôi cảm thấy may mắn vì đã có cơ hội và điều kiện tích lũy kiến thức và kỹ năng, và tôi muốn áp dụng chúng để phục vụ cho chính quê hương mình".
Đâu là dự định của Trí khi trở về Việt Nam? Trí đã thực hiện một số nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các khu vực nhạy cảm như Phú Quốc, nơi mà các hiện tượng như nước biển dâng có thể gây ra những thiệt hại lớn về mặt kinh tế và xã hội.
Một vấn đề cấp bách khác anh đang quan tâm là chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là hướng tới giảm thiểu phát thải carbon. Năm vừa qua, Trí đã thực hiện một số nghiên cứu về các kịch bản giảm thiểu carbon cho ngành điện Việt Nam, cũng như các phương án đầu tư năng lượng tái tạo tại địa phương nhằm đảm bảo tính công bằng xã hội.
Anh cũng đang thực hiện một nghiên cứu nhằm tối ưu hóa phương án đầu tư vào điện gió và điện mặt trời cộng đồng, đảm bảo công bằng cho người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng muốn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, củng cố vị thế của Việt Nam trong các phiên đối thoại toàn cầu về khí hậu và môi trường trong tương lai…
Chị Bùi Thanh Hạnh, Giám đốc Chương trình học bổng khoa học công nghệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài của Tập đoàn Vingroup, được quản lý bởi Trường ĐH VinUni, cho biết chị đã nhiều lần gặp và tiếp xúc với Trí. Qua đó chị nhận thấy anh là một bạn trẻ có tố chất lãnh đạo, suy nghĩ thấu đáo và có kết nối với mạng lưới các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực của mình rất rộng, cả trong và ngoài nước.
"Tôi nhìn thấy tiềm năng của Trí, hứa hẹn bạn sẽ tạo nên sự thay đổi trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cụ thể là về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng… ở Việt Nam. Có thể thấy tại Hội nghị COP28 vừa qua, Trí được mời tham dự chứng tỏ tài năng và những nỗ lực của bạn được ghi nhận", chị Hạnh nói.
Chị Hạnh cho hay Chương trình học bổng khoa học công nghệ của Vingroup tìm kiếm những tài năng Việt Nam và trao cơ hội để các bạn được học ở những ĐH hàng đầu thế giới, đảm bảo mục tiêu là các nghiên cứu phải giúp ích cho Việt Nam. Khi hoàn thành chương trình, các tiến sĩ được làm việc tại nước ngoài 2 năm để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ quay về nước đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà.
"Ai đã biết về Trí và nghiên cứu hồ sơ của bạn thì đều hiểu rằng, bạn có nhiều sự lựa chọn các học bổng tiến sĩ với nguồn tài trợ kinh phí khác nhau, với các yêu cầu mở hơn sau khi học xong. Đây cũng là một bạn trẻ năng động, một công dân toàn cầu với cơ hội làm việc tại nước ngoài luôn rộng mở. Nhưng điều rất đặc biệt là tôi luôn cảm nhận được sự cam kết của Trí, thông điệp rất rõ ràng của Trí là bạn sẽ trở về Việt Nam. Do vậy, định hướng của bạn và tầm nhìn, sứ mệnh của chương trình học bổng rất khớp với nhau..", chị Hạnh trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên.
Thạc sĩ Đào Mạnh Trí hiện đang là Trưởng phòng phát triển dự án tại Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Anh là đồng sáng lập nhóm Thanh niên công tác chính sách khí hậu (YPWG) dưới sự quản lý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Năm 2023 anh là quán quân cuộc thi Năng lượng quốc tế của Hiệp hội Kinh tế năng lượng Mỹ; quán quân cuộc thi hùng biện doanh nghiệp Boeing - Drexel 2019 tại Philadelphia, Mỹ. Vào năm cuối bậc THPT, anh giành cúp vàng, hội thi Khoa học kỹ thuật Singapore (SSEF)...
Bình luận (0)