Tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

17/12/2013 02:06 GMT+7

Chiều qua 16.12, phiên tòa sơ thẩm của TAND Hà Nội xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm đã kết thúc. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án tử hình 2 bị cáo chủ chốt trong vụ án là Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc).

* Kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT và Citibank

Chiều  qua 16.12, phiên tòa sơ thẩm của TAND Hà Nội xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm đã kết thúc. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án tử hình 2 bị cáo chủ chốt trong vụ án là Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc).

Tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại tòa trước khi nghe tuyên án - Ảnh: Hoàng Trang chụp qua màn hình

HĐXX nhận định, mặc dù gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng trong quá trình điều tra và xét xử, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không khai báo thành khẩn, chỉ thừa nhận trách nhiệm có mức độ về cố ý làm trái, chối tội tham ô. Tuy nhiên căn cứ các bằng chứng tại tòa cho thấy, Dũng và Phúc có vai trò quyết định trong việc thực hiện dự án và mua sắm ụ nổi. Nếu không có khoản “lại quả” hơn 28 tỉ đồng thì các bị cáo đã không mua ụ nổi 83M; lời khai của Trần Hải Sơn và các nhân chứng trong vụ án cho thấy có cơ sở để kết tội các bị cáo tham ô. Bên cạnh việc xâm phạm tài sản nhà nước, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã tham ô số tiền đặc biệt lớn. Riêng Dũng còn có tình tiết tăng nặng là bỏ trốn để chối bỏ trách nhiệm, thể hiện bản chất xảo quyệt nên cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là loại khỏi đời sống xã hội mới đủ sức răn đe.

Bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines bị tuyên phạt 10 năm tù về tham ô tài sản, 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 19 năm. Bị cáo Chiều được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức trong việc ký các văn bản của ban quản lý dự án trình ban giám đốc phê duyệt mua ụ nổi, bị cáo là người thực hành, đồng phạm cùng các bị cáo khác tham ô hơn 28 tỉ đồng, riêng bị cáo chiếm hưởng 340 triệu đồng. Dù Chiều không thừa nhận hành vi tham ô và cho rằng không biết gì về khoản tiền “lại quả” mua ụ nổi nhưng HĐXX xác định có cơ sở để buộc tội, không nhận tội làm ô là “do nhận thức của bị cáo”.

Bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam, bị tuyên phạt tổng cộng 22 năm tù về 2 tội tham ô và cố ý làm trái… HĐXX đánh giá Sơn có vai trò đồng phạm tích cực, tuy nhiên tại phiên tòa khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả nên được giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài mức án nói trên, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường khoản tiền hơn 28 tỉ đồng đã tham ô và gần 367 tỉ đồng gây thiệt hại cho nhà nước; Tiếp tục kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng, 1 căn nhà Mai Văn Phúc để đảm bảo thi hành án.

Liên quan đến vụ án, HĐXX nhận định Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh tại Vinalines. Trong quá trình thực hiện dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam và mua sắm ụ nổi 83M, Vinalines đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấp nhận cho đầu tư dự án. Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc và giao Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch phát triển ngành, trình Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên trong thời gian dài, Bộ GTVT không cập nhật cũng không kiểm tra giám sát, để Vinalines triển khai dự án và xảy ra nhiều sai phạm với hậu quả rất lớn là có trách nhiệm của Bộ GTVT. “TAND TP.Hà Nội kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra, làm rõ để xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật”, bản án nêu rõ. HĐXX cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh để tránh xảy ra những vụ án tương tự.

Đối với Citibank, HĐXX cho rằng mặc dù hồ sơ mua ụ nổi có nhiều sai sót nhưng ngân hàng này vẫn chuyển tiền cho Công ty AP, gây thất thoát tiền nhà nước. Cơ quan điều tra cần tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu thì khởi tố hình sự.

Đối với 7 bị cáo còn lại trong vụ án bị truy tố về tội cố ý làm trái, HĐXX nhận định các bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, từng có nhiều thành tích trong công tác... nên xem xét giảm nhẹ hình phạt. Theo đó, tuyên phạt Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines) 4 năm tù; Mai Văn Khang (nguyên Phó ban đóng mới tàu biển Vinalines) 7 năm tù; Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù. Riêng 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện (nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong - Khánh Hòa) mỗi người lĩnh 8 năm tù.

Thái Sơn - Hoàng Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.