Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Ký Hòa ước Nhâm Tuất tại gian lều Hòa bình

12/12/2022 07:12 GMT+7

Tháng 4 âm lịch năm 1862, Phó đô đốc Bonard cử thiếu tá Simon đi tàu Forbin đến cửa Thuận An (Huế) đưa thư yêu cầu phía Đại Nam cử một đại diện đứng ra đàm phán.

Sự việc được Đại Nam thực lục chép là “Phô Na [tức Bonard] sai Xuy Mông [tức Simon] chạy tàu máy vào cửa biển Thuận An (1 chiếc tàu máy và 3 chiếc thuyền sam bản đi theo có tới hơn 200 người, ở 2 tầng bên tả bên hữu chiếc tàu ấy, chia đặt súng lớn, đêm đốt 2 cây đèn sáng để đo nước ở cửa biển), để đưa thư bàn về việc hòa” (Đại Nam thực lục, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.767 - 768).

Các sứ giả Đại Nam tới gian lều Hòa bình, Sài Gòn, để ký hòa ước thư 1862 (ký họa của ông Lugeol); đăng trên Le Monde illustré, số ra ngày 9.8.1862, tr.85

Thư viện Quốc gia Pháp

Theo yêu cầu của Bonard, người Pháp muốn triều đình Huế gửi toàn quyền đại thần vào Sài Gòn đàm phán, đồng thời đòi phía Đại Nam bồi trả quân nhu cho Pháp và Tây Ban Nha, và phải đưa trước 10 vạn quan (ligature) tiền để làm tin. Sự việc được Phan Thanh Giản và Trần Tiễn Thành tâu lên vua Tự Đức, Lâm Duy Thiếp xin đưa đúng số tiền theo yêu cầu và xin đi sứ Gia Định. Vua chuẩn cho sung Phan Thanh Giản làm Chánh sứ toàn quyền đại thần để nghị về việc hòa, Lâm Duy Thiếp làm Phó chánh sứ.

Simon quay về Sài Gòn thông báo cho Bonard thông tin triều đình Huế đề nghị hòa bình, viên Phó đô đốc lệnh cho Simon trở lại Đà Nẵng để thông báo cho phía Đại Nam rằng hạn định “cho họ ba ngày để bắt đầu đàm phán” (Prosper Cultru, Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883), Ninh Xuân Thao dịch, MaiHaBooks và NXB Thế giới, 2021, tr.105).

Theo Đại Nam thực lục, lịch trình của sứ bộ Phan Thanh Giản vào Gia Định diễn ra như sau: Ngày 24 tháng 4 âm lịch năm Nhâm Tuất (Tự Đức thứ 15, nhằm ngày 22.5.1862) Phan - Lâm đi thuyền Thụy Nhạc vào Gia Định, mồng 9 tháng 5 âm lịch (nhằm ngày 5.6.1862) đặt bút ký hòa ước, ngày 11 (nhằm ngày 7.6.1862) đi thuyền về, ngày 14 (nhằm ngày 10.6.1862) đến Kinh.

Nghi thức ký kết hòa ước

Gia Định báo (chữ Hán) số tháng 6 âm lịch năm 1862 cũng nhắc qua chuyến đi của sứ bộ Phan Thanh Giản với nội dung: “Tháng trước [tháng 5 âm lịch] có một chiếc tàu đồng lớn của nước [Đại] Nam tới Gia Định. Trên thuyền có hai viên Khâm sai đại thần, theo lời là phụng mệnh hoàng đế tới để nghị hòa, tức việc đại thần nước Nam và đại thần nước Tây Dương [tức Pháp] cùng bàn định điều khoản nghị hòa vào sơ tuần tháng trước” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, NXB Khoa học xã hội, 2022, tr.57).

Ngày 26.5.1862, thuyền Thụy Nhạc cập bến Sài Gòn, sứ bộ được đại úy Henri Rieunier và thiếu tá Olabe đón tiếp. Cuộc thương thuyết giữa các bên bắt đầu từ ngày 28.5 và đi đến thống nhất ngày 3.6.1862 để chuẩn bị cho buổi ký kết chính thức.

Tờ Bulletin officiel de l’expédition de Cochinchine (Công báo quân viễn chinh Nam kỳ, Année 1862, N0 10, tr.163 - 165) đăng tải bài viết có nhan đề “Cérémonial prescrit pour la signature du Traité de paix avec les Ambassadeurs du Roi d’Annam” (Nghi thức ký kết hòa ước với các sứ thần của vua An Nam) của J. de La Vaissière, ngày 3.6.1862. Mở đầu bài viết, J. de La Vaissière cho biết lúc 7 giờ 30 sáng 5.6.1862 Bonard và Palanca sẽ gặp các sứ thần của vua Tự Đức tại Trường Thi (nguyên văn: Camp des Lettrés) để giảng hòa và ký kết hòa ước về sự hữu nghị, thương mại và hàng hải.

Đoạn nội dung sau đó của bài viết là hướng dẫn những sự chuẩn bị cho sự kiện với đủ mọi thành phần và nghi lễ: đúng giờ đã định Thanh tra bản xứ vụ và thuyền trưởng tàu Forbin được phân công đi xuồng hải quân đến tàu Đại Nam đón hai vị Chánh - Phó sứ Phan Thanh Giản - Lâm Duy Thiếp; 7 giờ sáng các đội quân (bộ, hiến, pháo, công, thủy…) sẽ xếp hàng trong Trường Thi theo thứ tự; 7 giờ 15, Bonard, Palanca và một số tùy tùng tới gian lều Hòa bình bằng ngựa, hai xe bốn ngựa sẽ đưa đón sứ giả Đại Nam về gian lều Hòa bình, gian lều này chỉ đón tiếp vài người quan trọng được liệt kê tên cụ thể; ngay khi đại diện ba bên ký hòa ước, đội pháo binh sẽ bắn 21 phát đại bác theo hiệu lệnh của de Neverlée để chào mừng, cùng lúc các chiến hạm nổ một loạt súng, các tù nhân chính trị và quân nhân được phóng thích, rồi duyệt binh…

Sự kiện sứ bộ Đại Nam đến Sài Gòn ký Hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) cũng được ông Lugeol đưa tin và vẽ minh họa trên tờ Le Monde illustré (số 278, ra ngày 9.8.1862, tr.85 - 86) với nội dung “Expédition de Cochinchine. - Arrivée des ambassadeurs au Pavillon de la Paix, à Saïgon, pour la signature du traité de paix, le 10 juin 1862” (Croquis de M. Lugeol) (Cuộc viễn chinh Nam kỳ. Các sứ giả tới gian lều Hòa bình, Sài Gòn, để ký hòa ước, ngày 10.6.1862 (ký họa của Lugeol)).

Sau chuyến đi sứ Gia Định, vua Tự Đức cảm thán “thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.771), Phan Thanh Giản được bổ làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Thiếp làm Tuần phủ Thuận Khánh, quyết định bổ nhiệm này được Gia Định báo (chữ Hán) số tháng 7 âm lịch năm 1862 dùng làm thông điệp tuyên truyền rằng đây là cách để phía Đại Nam thu xếp và tuân thủ thi hành hòa ước, và để “răn đe” nghĩa quân Trương Định, Thân Văn Nhiếp, Đỗ Quang phải chấm dứt can qua, nếu tiếp tục làm trái lại là loại “bề tôi phản nghịch”. (còn tiếp)

Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Những cuộc hòa đàm đầu tiên

Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

Triều đình Huế bước đầu nhượng bộ

Trước nguy cơ mất Gia Định, Định Tường, Biên Hòa

Triều đình Huế suy tính thiệt hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.