Từ hoa đào đến chiếu bông

Con người hễ cứ yêu nhau là lấy được nhau thì thi ca và âm nhạc còn cái hồn vía gì để sáng tạo?

Giai thoại văn học Trung Quốc kể rằng đời Đường có danh sĩ Thôi Hộ đi chơi tiết thanh minh ở phía nam kinh đô Trường An, vào một trang viên rực rỡ bóng hoa đào xin nước uống. Một cô gái đẹp, khuôn mặt tươi thắm như bóng hoa đào rót nước mời Thôi Hộ.
Tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ cũng ghé trang viên ấy xin uống nước nhưng không gặp được cô gái. Nhớ người năm ngoái, Thôi Hộ bèn làm một bài thơ dán lên cánh cổng và ra đi.

tin liên quan

Góc bếp chiều xuân xưa
Buổi ấy, những chiều cận tết, bếp lửa nhà nào cũng rộn ràng. Tôi ngồi bên ông anh cả, tập tành đúc những chiếc bánh in. Nồi nước đường thắng đặc quánh reo sôi trên bếp.
Bài thơ có tựa là Đề tích sở kiến xứ (Viết ở nơi đã trông thấy ngày trước), lại còn có tựa khác là Đề đô thành nam trang (Viết ở trang viên phía nam thành Trường An). Bài thơ như sau:
題 昔 所 見 處
去 年 金 日 此 門 中
人 面 桃 花 相 映 紅
人 面 不 知 何 處 去
桃 花 依 舊 笑 東 風
崔 護
Phiên âm:
Đề tích sở kiến xứ
Khứ niên, kim nhật thử môn trung.
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ.
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Tạm dịch:
Viết ở nơi đã trông thấy ngày trước
Năm qua, cũng tại cổng này,
Hoa đào hồng thắm hây hây má người.
Mặt hoa về xứ nào rồi
Hoa đào xưa vẫn còn cười gió đông.
Năm sau nữa, Thôi Hộ đi ngang qua trang viên ấy thì nghe có tiếng người than khóc, bèn ghé vào thăm. Chủ trang viên cho biết con gái của mình đọc bài thơ của Thôi Hộ, ốm tương tư vừa mới qua đời. Thôi Hộ vào quỳ bên xác cô gái, tỏ ý hối hận. Đột nhiên, cô gái… sống dậy! Sau đó, hai người kết làm chồng vợ.
12 thế kỷ sau ở Việt Nam, có ông Viễn Châu - soạn giả cải lương tài hoa đất Nam bộ, đi qua thị trấn Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang ngày nay). Ông nhìn thấy anh bán chiếu xứ Cà Mau vác đôi chiếu bông từ dưới bến ghe lên xóm Rẫy, tức cảnh sinh tình, viết lên bài ca vọng cổ nổi tiếng Tình anh bán chiếu:
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy.
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào.
Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào…
Câu chuyện có thể tóm tắt là cô gái đôi mươi xinh đẹp ở xóm Rẫy miệt Ngã Bảy gặp anh bán chiếu Cà Mau cho biết mình sắp lấy chồng. Cô đặt anh dệt cho đôi chiếu bông để chuẩn bị lễ cưới nhưng rồi… quên mất, đi lấy chồng trước đó bốn tháng:
Cô đã đặt tôi đôi chiếu bông bề dài hai thước
Có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng.
Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng.
Anh bán chiếu Cà Mau không nhận một khoản tiền ứng trước nào của cô, chỉ định dệt tặng cô đôi chiếu để làm quà. Nói nào ngay, lòng anh đã thầm thương trộm nhớ cô, chỉ mong cô được hạnh phúc với người chồng sắp cưới của mình. Anh gia công thật kỹ để có một đôi chiếu xứng đáng làm quà tặng cô gái Ngã Bảy:
Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy.
Tôi đã lựa từng cọng lác sợi gai…
Vậy nhưng khi anh đến nhà cô thì cô đã theo chồng đi xứ khác, chỉ còn anh với đôi chiếu cô đơn trên vai:
Tôi đứng trước cổng vườn xưa nỗi buồn man mác
Còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai?
Anh bán chiếu Cà Mau hiền lành, chất phác nhưng lại là một… ông thần si tình khiến ta phải bái phục. Gặp nhau lần đầu, anh đã say mê nhan sắc cô gái và khi cô dặn dò đặt đôi chiếu, anh xót xa biết mối tình si của mình không đến đâu:
Cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang
Để giấu đôi dòng nước mắt.
Vì không muốn bàng quan thiên hạ
Họ cười tôi là một gã si tình.
Tấm lòng yêu người của anh đặt cả vào đôi chiếu nhưng trước đó, cô gái đã đám cưới. Đôi chiếu tình si không có chỗ để phát tiết, trở thành nỗi ẩn ức. Anh tự trách mình:
Người ta đã có đôi rồi,
Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung.
Để mình ôm cặp chiếu bông
Đợi chờ chi nữa uổng công đợi chờ…
Sau cùng, anh nói trắng ra tình yêu đơn phương của mình với cô gái đẹp ở Ngã Bảy và khẳng định đó là một tình yêu không thể phai mờ:
Có ai biết được mối tình của tôi
Với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy.
Sông sâu bên lở bên bồi
Tình anh bán chiếu trọn đời không phai.
Tình anh bán chiếu là bài ca danh tiếng của Viễn Châu, được người yêu cải lương Nam bộ trên cả nước yêu mến suốt gần 60 năm qua. Văn chương của Viễn Châu chân chất, hồn nhiên nhưng tình ý thì miên man, bất tuyệt. Tôi thường gặp cụ Viễn Châu, đã viết về cụ, gọi cụ là một danh sĩ trong làng soạn giả cải lương Nam bộ.

tin liên quan

Tiếng chổi tre trong đêm giao thừa
Sài Gòn đêm cuối năm, lẫn trong dòng người nô nức đổ ra đường chờ đón giao thừa, nữ lao công Phạm Thị Thu (Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 5, TP.HCM) cần mẫn đưa từng nhát chổi tre xào xạc trên phố đêm.
Hãy so sánh mối tình của Thôi Hộ qua Đề tích sở kiến xứ và mối tình của anh bán chiếu Cà Mau qua Tình anh bán chiếu của Viễn Châu. Cả hai người đều yêu trong tình huống sét đánh (coup de foudre) - gặp lần đầu và yêu ngay hình bóng người phụ nữ ấy.
Thế nhưng, câu chuyện của Thôi Hộ tròn trịa quá, lấy được cô gái làm vợ, kết thúc có hậu cứ y như một vở… cải lương có hậu. Ngược lại, anh bán chiếu Cà Mau lãng mạn hơn, biết cô gái Ngã Bảy sắp có chồng nhưng vẫn yêu. Tình yêu của anh là một thứ tình yêu thánh hóa (amour platonique), chỉ mong cho người mình yêu được hưởng hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn với người chồng.
Cả hai tác phẩm cách nhau 12 thế kỷ, cùng ra đời trong mùa xuân, cùng nói về tình yêu; một trọn vẹn, một dang dở. Chuyện là chuyện trong văn hóa nghệ thuật nhưng đọc bài thơ và nghe bài ca vọng cổ, ta thấy tâm tình trong Tình anh bán chiếu của Viễn Châu đẹp và thơ mộng hơn tâm tình trong Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ.
Trong trường hợp này, tôi kết luận rằng chiếc chiếu Cà Mau đẹp và trữ tình hơn bóng hoa đào ở kinh đô Trường An.
Con người hễ cứ yêu là lấy được nhau thì thi ca và âm nhạc còn cái hồn vía gì để sáng tạo?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.