Điều này ảnh hưởng đến kết quả các đợt kiểm tra vừa qua, kết quả xếp loại học kỳ 2 và cuối năm. Vậy nhà trường cần có biện pháp gì để giúp đỡ các học sinh trong hoàn cảnh này?
Học trực tuyến kéo dài cùng với sức khỏe, tinh thần bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khiến nhiều học sinh hổng kiến thức (ảnh minh họa) |
đ.n.t |
Nhiều học sinh mệt mỏi, mất nhiệt huyết khi đến trường
Giáo viên dạy toán lớp 10 tại một trường THPT ở TP.HCM cho biết: “Điểm kiểm tra thường xuyên và giữa kỳ 2 vừa qua của một số học sinh quá kém, có em chỉ đạt được 1, 2 điểm. Nhiều em không làm được gì cả, dù đề kiểm tra là tương đối nhẹ nhàng”. Quan sát kết quả học tập giữa học kỳ 2 của nhiều lớp và lớp mình chủ nhiệm, chúng tôi thấy sự chênh lệch về xếp loại học lực của học sinh vừa qua là rất rõ rệt. Nhiều em có kết quả khá tốt nhưng không ít em ngược lại, kết quả rất thấp. Có em năm học trước xếp khá, giỏi nhưng vừa qua tụt xuống loại trung bình, yếu. Đa số rơi vào trường hợp những em đã bị F0 do Covid-19.
Có nhiều lý do khiến học sinh sa sút kết quả học tập. Đó là việc học trực tuyến kéo dài, chưa thật sự có kết quả. Học sinh thiếu chủ động và phương pháp tự học. Lý do trọng yếu nhất là vì sức khỏe các em không tốt, bị F0 và bị hậu Covid-19. Nhiều em đến trường trong một trạng thái mệt mỏi, mất hết sinh khí và nhiệt huyết học tập. Nhiều nội dung kiến thức trọng tâm bị hổng, do nghỉ học quá nhiều (có em nghỉ học hơn 2 tuần lễ). Nguyên nhân nữa là, việc kiểm tra khá dày, do các em phải kiểm tra bổ sung các cột điểm bị thiếu nên trở nên quá tải với học sinh.
Nhiều học sinh đến trường trong một trạng thái mệt mỏi, mất nhiệt huyết học tập sau dịch Covid-19 (ảnh minh họa) |
đ.n.t |
Cần nhiều giải pháp giúp đỡ học sinh đã bị F0
Trước hết, nhà trường, giáo viên nên thống kê những diện học sinh đã bị F0. Rà soát xem các em bị hổng những phần kiến thức nào. Để từ đó có kế hoạch phụ đạo, bổ trợ kiến thức kịp thời cho học sinh để tham gia kiểm tra cuối kỳ. Nội dung kiểm tra cũng cần có sự thống nhất trong tổ bộ môn theo hướng giảm tải.
Việc hổng kiến thức của học sinh không chỉ ảnh hưởng cho năm nay mà còn để lại gánh nặng cho các năm học sau. Các giải pháp bù đắp kiến thức nói trên chỉ là tạm thời. Nhà trường nên dành thời gian hợp lý như trong hè, đầu năm học tới để củng cố kiến thức cho những học sinh diện này. Phụ huynh cũng cần quan tâm đặc biệt với con em mình hơn.
Đối với việc xếp loại hạnh kiểm học sinh, giáo viên cũng không nên quá cứng nhắc. Chẳng hạn, xếp hạnh kiểm dựa vào chuyên cần (trễ, vắng) khi học trực tuyến là chưa thỏa đáng vì điều kiện khách quan của học sinh khi học trực tuyến trong thời gian dịch bùng phát mạnh vừa qua. Dựa theo quy định của ngành giáo dục, nếu học sinh nghỉ học quá số ngày cho phép thì sẽ bị lưu ban. Hoặc thông thường học sinh nghỉ học nhiều cũng bị giáo viên hạn chế xếp loại khá, tốt. Trên thực tế nhiều em bị F0, F1 trong năm nay có số ngày nghỉ rất nhiều. Cho nên cần sự “nhẹ nhàng” trong đánh giá hạnh kiểm của giáo viên với học sinh để chia sẻ với các em vì dịch bệnh.
Bình luận (0)